Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi ích của nước Nga

Minh Hiếu| 30/08/2017 06:15

(HNM) - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vừa bắt đầu chuyến công du tới các nước Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar nhằm thắt chặt mối quan hệ hợp tác với các quốc gia vùng Vịnh và thúc đẩy việc hòa giải giữa các nước trong khu vực.


Sự kiện này đánh dấu chuyến thăm ngoại giao cấp cao đầu tiên của Nga kể từ khi mâu thuẫn bùng phát vào đầu tháng 6 vừa qua và biến thành cuộc khủng hoảng được đánh giá là nghiêm trọng nhất tại khu vực trong nhiều thập kỷ qua. Theo đó, hàng loạt quốc gia Arab vùng Vịnh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và cáo buộc Doha hỗ trợ cho khủng bố.

Ngoại trưởng Nga S.Lavrov (phải) và người đồng cấp Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al-Thani trong cuộc gặp tại Mátxcơva.


Nội dung chính trong các cuộc hội đàm của Ngoại trưởng S.Lavrov và các nhà lãnh đạo cấp cao tại vùng Vịnh là tiếp tục phối hợp giữa các bên trong hàng loạt vấn đề then chốt toàn cầu và khu vực, bao gồm hỗ trợ vị thế và ủng hộ các sáng kiến của Nga tại Liên hợp quốc cũng như các tổ chức quốc tế. Các bên cũng thảo luận về tình hình Trung Đông và Bắc Phi, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp chính trị và ngoại giao thông qua đối thoại, dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau về lợi ích. Syria cũng là một vấn đề thường được đưa vào chương trình nghị sự khi người đứng đầu ngành Ngoại giao Nga thực hiện các chuyến công du tới các nước trong khu vực này.

Điểm nhấn của chuyến đi lần này là tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra tại vùng Vịnh. Ngay từ khi mâu thuẫn giữa Qatar và các nước Arab nổ ra, Nga đã tuyên bố theo đuổi cách tiếp cận cân bằng. Dù bày tỏ Nga “không thể hài lòng khi mối quan hệ giữa các đối tác tại Trung Đông ngày càng xấu đi”, nhưng chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, xung đột là vấn đề song phương giữa các nước, bởi vậy Mátxcơva không thể can thiệp thô bạo. Nga mong muốn duy trì mối quan hệ hữu nghị với mọi quốc gia, đồng thời nhấn mạnh, bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng có thể được giải quyết thông qua đối thoại.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 28-8 tại Kuwait, Ngoại trưởng S.Lavrov cho biết Nga sẵn sàng hợp tác trong việc điều hòa cuộc khủng hoảng tại khu vực, bày tỏ hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết một cách hòa bình và không biến thành trở ngại trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay. Người đứng đầu ngành Ngoại giao Nga cũng khẳng định, Nga ủng hộ các sáng kiến hòa giải của Kuwait - nước duy nhất được Bahrain, Ai Cập, Saudi Arabia và UAE công nhận làm trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng với Qatar và sẽ không cạnh tranh vai trò lãnh đạo với bất kỳ nước nào trong việc xoa dịu những căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Các chuyên gia nhận định, dù không có ý định đóng vai trò “nhà hòa giải” duy nhất của cuộc khủng hoảng hiện nay, nhưng Nga hoàn toàn có thể tham gia vào nỗ lực chung nhằm cải thiện tình hình. Được đánh giá là giữ vị trí trung lập, Mátxcơva có nhiều công cụ để gây ảnh hưởng và ở vị thế tốt để tác động hòa giải mà không cần can thiệp trực tiếp. Nga rất cần Qatar trong giải quyết cuộc khủng hoảng Syria do ảnh hưởng của Doha đối với các nhóm vũ trang đối lập tại Syria lớn hơn Saudi Arabia hay bất kỳ quốc gia vùng Vịnh nào. Bằng cách tham gia vào nỗ lực hòa bình của “trục quyền lực” Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran, Doha có thể trở thành một nhân tố quan trọng trong giải quyết cuộc xung đột Syria và tăng cường sức ảnh hưởng tại khu vực. Bên cạnh đó, Mátxcơva cũng đang có mối quan hệ tốt đẹp với các bên liên quan tới mâu thuẫn ở vùng Vịnh.

Vì vậy, Nga đang có nhiều lợi thế để làm tốt vai trò người trung gian. Mátxcơva sẽ gặp nhiều bất lợi nếu không tận dụng vị trí của mình để thúc đẩy các bên tìm tiếng nói chung, bởi điều này mang lại lợi ích cho xứ Bạch dương. Tuy nhiên, nếu không điều chỉnh tốt, Nga cũng có khả năng rơi vào thế khó xử giữa các mối quan hệ đan xen khi can thiệp quá sâu. Do vậy, ưu tiên hàng đầu của điện Kremlin lúc này vẫn là kêu gọi các nước liên quan từ bỏ đối đầu và sớm ngồi vào bàn đối thoại để giải quyết mâu thuẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích của nước Nga

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.