(HNM) - Trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội tại Hà Nội, thường xuyên có những ví dụ về tính chủ động, linh hoạt của các cơ quan quản lý nhà nước.
Mê Linh là huyện đầu tiên ở Hà Nội đã hoàn thành cơ bản quy hoạch nông thôn mới (NTM) cho cấp xã. Kết quả này khiến nhiều huyện, không riêng gì ở Hà Nội đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Hầu hết các địa phương đang loay hoay làm quy hoạch NTM theo đúng quy trình mà Bộ Xây dựng quy định: Quy hoạch xã phải do UBND xã làm chủ đầu tư. Nhưng cấp xã lại có quá nhiều lý do khiến việc lập quy hoạch bị chậm như năng lực cán bộ yếu kém, lập quy hoạch là việc chưa từng làm, khó mời tư vấn… Thực tế, khi trao đổi với cán bộ lãnh đạo một số huyện, có người nói thẳng: "Làm đúng quy định thì không biết bao giờ mới lập được quy hoạch NTM".
Nhiều đường làng ngõ xóm trong huyện Mê Linh đã trải bê tông khang trang, sạch sẽ.Ảnh: Bảo Lâm
Trong lúc đó, huyện Mê Linh đã mạnh dạn làm theo cách hơi khác quy định là UBND huyện đứng ra chủ trì việc làm quy hoạch cho tất cả các xã. Kết quả là chỉ trong một thời gian ngắn, quy hoạch NTM cho 16 xã của huyện đã được hoàn thành. "Chúng tôi làm đột phá nên không biết đúng hay sai, nhưng chắc chắn chất lượng quy hoạch được bảo đảm" - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Nguyễn Xuân Trường cho biết. Dẫu còn băn khoăn như vậy, nhưng huyện Mê Linh đã cho thấy sự chủ động, linh hoạt trong thực thi nhiệm vụ. Kết quả công việc chưa được đánh giá một cách chính thức, nhưng có thể ít nhiều nhận thấy lợi ích của nó. Không chỉ nhiều địa phương khác nhận thấy cần học hỏi cách làm này mà một số cán bộ lãnh đạo chuyên môn cấp TP cũng ủng hộ điều đó.
Mê Linh là một trong nhiều ví dụ thực tế cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp tại Hà Nội đã thể hiện không ít những việc làm mang tính chủ động, linh hoạt. Nhiều cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm… Nhưng thực tế đòi hỏi còn lớn hơn rất nhiều. Tình trạng để công việc trì trệ, né tránh, đùn đẩy vẫn phổ biến. Trong cuộc làm việc giữa thường trực hai cơ quan HĐND và UBND TP mới đây, các đại biểu đều thừa nhận thực tế này. Nhiều trường hợp biết rõ quy định cấp trên chưa phù hợp, quy trình công tác lạc hậu nhưng hoặc không có cách làm bứt phá hoặc cố "chịu đựng" không kịp thời kiến nghị, đề xuất, tham mưu với cấp trên. Một trong những ví dụ cho điều này là đã nhiều năm qua, việc xây dựng chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan, đơn vị vẫn chưa thống nhất về nguyên tắc, cách làm. Bản thân những chuyên viên làm nhiệm vụ tổng hợp thừa nhận luôn nghi ngờ tính chính xác của số liệu các nơi gửi tới. Nhưng cuối cùng, có thể sang năm, tình trạng này lại tái diễn, vì cán bộ thiếu chủ động kiến nghị, đề xuất và theo đuổi giải pháp khắc phục…
Mọi cấp đều phải đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành
Trong lịch sử có những ví dụ điển hình về lợi ích từ việc chủ động, linh hoạt, dám làm dám chịu trách nhiệm của địa phương như việc "khoán chui" ở Vĩnh Phúc trước đây. Những việc làm "ích nước, lợi nhà" dù có thể "thiệt thân" nhưng vẫn luôn nhận được sự ủng hộ và được tôn vinh từ quần chúng nhân dân và dư luận xã hội. Điều này càng khích lệ tinh thần chủ động, linh hoạt trong thực thi công vụ của các cơ quan quản lý nhà nước ngày nay. Tuy nhiên, để phát huy tính chủ động, linh hoạt trong đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan quản lý nhà nước, cần kịp thời đánh giá, cổ vũ những nhân tố mới trong cuộc sống. Trong đó, cơ quan cấp càng cao càng cần thường xuyên làm gương về tính chủ động, linh hoạt trong công vụ.
Sự chủ động, linh hoạt của Mê Linh có thể đem lại lợi ích lớn hơn nếu các cơ quan cấp trên có liên quan như các sở, ngành, UBND TP, Bộ Xây dựng nhanh chóng vào cuộc đánh giá, nhận xét lợi - hại, đúng - sai. Nếu không có lợi thì yêu cầu sửa chữa; nếu có lợi thì chính thức thừa nhận, sửa đổi hoặc bổ sung quy định để mở rộng cách làm này. Cấp dưới chủ động, linh hoạt có thể chỉ đem lại cái lợi nhỏ, nhưng cấp trên chủ động, linh hoạt trong công vụ còn đem lại lợi ích lớn hơn rất nhiều. Rất có thể, tiến độ xây dựng NTM của Hà Nội sẽ sớm hơn dự kiến nếu những cách làm mới như vậy được kịp thời nhân rộng ra những địa phương còn lại. Và còn nhiều cái lợi khác nữa. Ví dụ, theo Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Khuất Văn Thành, chỉ vì chậm triển khai một thời gian, lẽ ra chỉ cần 60 tỷ đồng thì nay phải cần đến 100 tỷ đồng mới hoàn thành được một dự án. Không có quy hoạch, các dự án xây dựng NTM đều phải… chờ đợi.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội trong nhiệm kỳ mới là đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành. Chính vì vậy, việc cổ vũ cho những cách làm mới, nhất là vì lợi ích chung là cực kỳ cần thiết. Ngược lại, nhiệm vụ đổi mới của TP sẽ khó hoàn thành nếu các đơn vị cơ sở chưa coi trọng tính chủ động, linh hoạt và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.