Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lỗi hệ thống

Việt Nhân| 04/04/2010 05:14

(HNM) - Kết quả khảo sát của Bộ TN-MT tại 52 làng nghề điển hình trong cả nước cho thấy, 46% số làng nghề được khảo sát có môi trường ô nhiễm nặng (đối với không khí, đất, nước hoặc cả ba dạng). Ô nhiễm vừa và nhẹ cùng chiếm 27%. Kết quả quan trắc thời gian gần đây cho thấy, mức độ ô nhiễm của các làng nghề không giảm mà còn có xu hướng tăng.

Ô nhiễm nguồn nước đang diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại các làng nghề chế biến lương thực thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ gia súc gia cầm, tái chế biến giấy... Trong khi đó, ô nhiễm không khí nặng diễn ra tại các làng nghề gốm sứ, vật liệu xây dựng... Tình trạng chung đối với các làng nghề là phần lớn chất thải rắn không được thu gom mà xả thẳng vào môi trường. Theo dự báo, ô nhiễm không khí, nước và đất ở các làng nghề sẽ còn gia tăng nếu không kịp thời áp dụng triệt để các giải pháp.

Tại nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh (đặc biệt là nhóm người trong độ tuổi lao động) đang có xu hướng gia tăng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi, thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và so với làng không có nghề phụ cũng thấp hơn từ 5 đến 10 năm. Thống kê cho thấy, tại các làng sản xuất kim loại, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số. Tại các làng tái chế giấy, 16 đến 53,7% dân số bị mắc bệnh phổi, bệnh ngoài da, thần kinh do chịu sức ép từ khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm không khí, hóa chất và các khí độc như Cl2, H2S...

Xử lý ô nhiễm môi trường ở các làng nghề không đơn giản. Vì nếu áp dụng theo công nghệ tiên tiến thì chắc chắn sẽ dẫn tới xóa sổ các làng nghề do đặc trưng của làng nghề là công nghệ sản xuất và thiết bị lạc hậu, chắp vá; sử dụng các nhiên liệu rẻ tiền, hóa chất độc hại để hạ giá thành sản phẩm... Vướng mắc lớn nhất trong việc xử lý ô nhiễm làng nghề hiện nay là chính sách. Nội dung về bảo vệ môi trường làng nghề đã được đề cập tại nhiều văn bản như Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010, Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam... Luật Bảo vệ môi trường là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực môi trường, trong đó có một điều riêng (Điều 38) về bảo vệ môi trường làng nghề. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, chưa có một văn bản nào hướng dẫn thực hiện các nội dung của luật về bảo vệ môi trường làng nghề. Cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về việc các làng nghề phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, phải có các biện pháp giảm tối đa phát sinh khí thải... cũng như quy định theo các đặc thù riêng của mỗi loại hình sản xuất làng nghề.

Khi chính sách còn chưa thông thì làng nghề còn ô nhiễm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lỗi hệ thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.