(HNM) - Theo thống kê, trong tháng 11-2015, cả nước nhập khẩu hơn 12.000 ô tô các loại, tăng 95% so với tháng 10. Cùng với đó, lượng xe lắp ráp trong nước bán ra khoảng 17.000 chiếc, đưa tháng 11 trở thành tháng kỷ lục về lượng xe ô tô được tiêu thụ.
Tính tổng cộng 11 tháng năm 2015, lượng ô tô tiêu thụ lên tới gần 190.000 chiếc, cũng là một kỷ lục trong nhiều năm qua. Dự báo, trong tháng 12-2015 và tháng 1-2016, lượng ô tô tiêu thụ nhiều khả năng tiếp tục tăng mạnh do nhu cầu mua sắm của người dân trong những tháng giáp tết Nguyên đán luôn cao nhất trong năm.
Những kỷ lục về lượng ô tô tiêu thụ cho thấy một xu hướng phát triển mới của xã hội, đó là chuyển dần từ mô tô sang ô tô. Từ chỗ, ô tô là tài sản của nhà giàu thì nay nhóm trung lưu cũng có thể sở hữu. Mặc dù thuế, phí còn cao và giá bán xe rất đắt nhưng tiêu thụ ô tô vẫn gia tăng, nên khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, các dòng thuế được cắt giảm, lượng ô tô sẽ còn bùng nổ hơn nữa.
Câu hỏi đặt ra là trước việc gia tăng ô tô cá nhân, hạ tầng giao thông có chịu được sức ép? Thực tế, nội đô thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh luôn đứng trước nguy cơ ùn tắc. Thậm chí, nhiều tuyến đường mới đầu tư gần đây cũng bắt đầu quá tải bởi lượng phương tiện gia tăng nhanh. Vì vậy, với lượng ô tô bùng nổ, chắc chắn hạ tầng giao thông chịu sức ép rất lớn, buộc phải đầu tư phát triển hoặc tính toán tổ chức lại giao thông.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu ô tô và tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước đã mang lại cho ngân sách nhà nước nguồn thu lớn. Thống kê 11 tháng năm 2015, ngân sách đã thu gần 30.000 tỷ đồng từ ô tô nhập khẩu, trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô tô lắp ráp trong nước cũng hơn 16.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể số phí trước bạ tính theo đầu xe.
Còn theo các nhà đầu tư BOT dự án hạ tầng giao thông, lượng ô tô gia tăng thì phí thu được để hoàn trả đầu tư cũng gia tăng theo. Hay nói cách khác, nguồn thu chính của các nhà đầu tư BOT giao thông là ô tô nên thị trường ô tô phát triển là điều kiện cần cho hạ tầng giao thông đầu tư phát triển. Chưa kể, về mặt xã hội, ô tô là loại phương tiện văn minh và an toàn hơn nhiều so với mô tô. Vì vậy, đã đến lúc cần có quan điểm rõ ràng, nên hay không nên khuyến khích phát triển ô tô cá nhân, để từ đó có tính toán chính sách phù hợp. Thực tế, kể cả không khuyến khích nhưng xã hội có nhu cầu thì ô tô cá nhân vẫn gia tăng như thời gian qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.