(HNM) - Dù hệ thống hạ tầng giao thông tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã được đầu tư lớn nhưng tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra ở khu vực nội đô trung tâm. Để giải quyết tình trạng trên, thời gian tới, địa phương này sẽ ứng dụng và phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) nhằm giải quyết bài toán
5 năm tới không còn chỗ cho xe chạy
Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh cho biết, chính quyền thành phố đề ra mục tiêu hết năm 2015 sẽ tăng mật độ đường giao thông từ 1,87 km/km2 lên 1,9 km/km2; tỷ lệ đất dành cho giao thông từ 8,18% lên 8,2%. Đến năm 2020, tỷ lệ đất dành cho giao thông sẽ đạt khoảng 12,2% và năm 2025 đạt khoảng 16-20%. Theo lãnh đạo Sở GT-VT, để bảo đảm duy trì tỷ lệ này, thành phố sẽ ưu tiên xây dựng các cầu vượt, đường trên cao, đường hầm, các loại hình vận tải khác nhau, qua đó góp phần nâng tổng diện tích giao thông tại khu vực này.
Tuy nhiên, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố cho rằng, dù chính quyền đang nỗ lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nhưng với áp lực dân số ngày càng tăng (ước tính hiện có hơn 10 triệu dân) và phương tiện giao thông cá nhân tăng không ngừng, thì tỷ lệ trên vẫn còn quá khiêm tốn. Để minh chứng cho điều này, TS Võ Kim Cương chỉ rõ, TP Hồ Chí Minh hiện có trên 7.000km đường giao thông thì chỉ có hơn 2.000km đường lớn cho xe ô tô cỡ lớn, còn lại khoảng 5.000km là đường nhỏ và đường hẻm, chỉ có xe gắn máy lưu thông được. Trong khi đó, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng hơn 7 triệu xe gắn máy và ô tô các loại, tăng gần 2 triệu xe so với vài năm trước. Chính việc gia tăng liên tục các loại xe cá nhân cùng với hệ thống giao thông công cộng chỉ giải quyết khoảng 6% nhu cầu đi lại, còn phần lớn người dân đi bằng xe gắn máy với tỷ lệ gần 80%, chưa kể khoảng 15% đi bằng ô tô cá nhân và taxi... khiến tình trạng kẹt xe tăng theo, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Với thực trạng trên, kỹ sư Nguyễn Tuấn Long, Công ty cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu dự báo, trong vòng 5 năm tới, TP Hồ Chí Minh sẽ không còn chỗ cho xe chạy di chuyển.
Giao thông thông minh - yếu tố sống còn
Đi tìm lời giải cho vấn đề trên, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho rằng, để giải quyết bài toán giao thông đô thị tại TP Hồ Chí Minh đang ngày càng bức thiết thì cần ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại và đây được xem là yếu tố quyết định thành bại cho phát triển hệ thống giao thông đô thị tương lai. "Đối với TP Hồ Chí Minh, cần phát triển hệ thống ITS, bởi điều đó sẽ khắc phục được những hạn chế đối với ngành giao thông hiện tại, từ đó sẽ kết nối liên hoàn các loại hình giao thông, thu hút người dân tham gia vận tải hành khách công cộng, hạn chế ùn tắc giao thông…", ông Hỷ khẳng định.
Cùng quan điểm, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho rằng, trước áp lực giao thông ngày càng lớn, việc ứng dụng ITS vào quản lý, điều hành, khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt là nhu cầu cấp thiết và phải triển khai nhanh để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Chia sẻ về ứng dụng ITS trong quản lý loại hình vận tải hành khách công cộng, kỹ sư Nguyễn Tuấn Long cho biết, ứng dụng ITS sẽ cung cấp thông tin về thời gian chuyến đi theo các lựa chọn tuyến đường. Việc này giúp người lái xe có thể tránh những nơi ùn tắc nặng, từ đó giảm ách tắc và giúp sử dụng hiệu quả hơn năng lực của các nhánh đường còn lại. Còn hệ thống camera giám sát sẽ tập trung kiểm soát các trạm xe bus và sân ga cũng như các khu vực công cộng khác, để có thể trợ giúp và phản ứng lại các trường hợp khẩn cấp nếu cần. Từ đây, chất lượng dịch vụ giao thông công cộng được bảo đảm, đem lại sự tin tưởng cho hành khách và giảm tải cho hạ tầng giao thông.
Cũng theo các chuyên gia công nghệ, khi ứng dụng ITS thông qua hệ thống giám sát thì thông tin sẽ được đưa về trung tâm điều hành giao thông bằng mạng không dây. Từ đó, trung tâm sẽ quyết định việc gửi cảnh báo, làn xe nào tiếp tục được sử dụng hay tốc độ giới hạn là bao nhiêu qua tin nhắn hoặc thông báo FM, hay các biển báo điện tử để người tham gia giao thông nắm bắt được.
Hệ thống ITS là sự kết hợp giữa tính toán, công nghệ thông tin và viễn thông. Cụ thể, trong ngành GT-VT ứng dụng này sẽ dùng để quản lý xe cộ và các mạng lưới giao thông có liên quan đến sự di chuyển của người và hàng hóa. Khi đó, nhân viên tại trung tâm có thể giám sát các hoạt động giao thông theo thời gian thực và có thể điều phối được hoạt động giao thông bằng cách gửi thông báo đến các bảng hiệu trên các trục lộ, nhằm giúp cho người dân nắm bắt được tình hình tại một số nơi, nhất là các nút giao thông và có phương án xử lý hiệu quả. Hiện TP Hồ Chí Minh dự kiến triển khai dự án xây dựng Trung tâm Điều khiển giao thông có tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD, lắp đặt đèn tín hiệu hiện đại, camera quan sát tại khoảng 1.500 giao lộ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.