(HNM) - Chiều muộn 9-9, chị Huyền và bạn (ở nhà B6, Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) đi làm về trên xe buýt tuyến 02, biển kiểm soát 30T- 4449 chiều Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa. Đang mải đọc cuốn sách hay vừa mượn được của đồng nghiệp, chị Huyền chợt nghe tiếng người đàn ông nói với bạn mình:
- Cô ơi cho ông xin vài đồng!
Quay sang nhìn, chị Huyền thấy một người đàn ông khoảng gần 70 tuổi, dáng vẻ chậm chạp đang ngửa mũ xin tiền. Bạn chị Huyền rút tờ 10.000 đồng để vào chiếc mũ. Dường như chỉ chờ có vậy, người đàn ông lại nhanh chóng tiến đến những hành khách khác xin tiếp:
- Cháu ơi cho ông xin vài đồng!
Quan sát trên xe, chị Huyền thấy hầu hết là sinh viên, những bạn trẻ vốn còn phụ thuộc kinh tế vào gia đình, nhưng mỗi khi người đàn ông cất lời, các em đều rút những đồng tiền ít ỏi của mình ra cho khiến chị rất cảm động.
Nhưng, cảm giác đó của chị chẳng được bao lâu đã phải nhường chỗ cho sự thất vọng. Một cảm giác như bị lừa khi chị Huyền thấy ngay sau khi xin một vòng trên xe buýt, trong tích tắc người đàn ông đội cả chiếc mũ có chứa tiền lên đầu rồi nhanh chóng bước xuống xe. Dáng vẻ chậm chạp, ốm yếu ban đầu bỗng dưng biến mất.
Chia sẻ với Người Xây Dựng, chị Huyền nói: Việc giả vờ ốm yếu để đánh vào lòng trắc ẩn của hành khách đi trên xe chứng tỏ người ăn xin này rất “chuyên nghiệp”. Tình trạng người ăn xin trên xe buýt gây ảnh hưởng xấu đến văn minh đô thị, môi trường du lịch ở Thủ đô... Để xóa đi hình ảnh không đẹp đó và đưa xe buýt trở thành biểu tượng của văn hóa giao thông công cộng rất cần sự chung tay của tài xế, phụ xe và cả hành khách khi trao lòng tốt của mình đúng chỗ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.