Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lối đi nào cho tài năng âm nhạc “nhí”?

Đỗ Thu| 24/08/2010 07:41

(HNM) - ĐồRêMí, sân chơi âm nhạc hấp dẫn nhất dành cho thiếu nhi đang bước vào giai đoạn cuối. Khán giả sắp được

"Giọng ca nhí" trưởng thành hơn
Năm 2010 đã là lần thứ 4 chương trình ĐồRêMí diễn ra. Xét về mặt giáo dục, đây là sân chơi âm nhạc lớn, tích cực, thiếu nhi trong cả nước không phân biệt thành thị hay nông thôn, được học về âm nhạc hay chỉ là năng khiếu, đều có thể tham gia và tỏa sáng. Với một show truyền hình, đây là chương trình thành công, khi mà khó có một gameshow nào thu hút được số lượng khán giả đông, được nhiều đối tượng khán giả, từ người già tới trẻ em, yêu thích như vậy.

Vẫn như những năm trước, từ tháng 1 tới tháng 5-2010, vòng sơ tuyển ĐồRêMí đã diễn ra thu hút đông đảo các em thiếu nhi từ 5 tới 10 tuổi trong cả nước tham dự bằng cách hát qua điện thoại tới số tổng đài của chương trình. 104 bé từ 3 miền được lựa chọn sẽ được tham gia vào vòng thi sơ khảo tại Hà Nội, Đắc Lắc, TP Hồ Chí Minh, rồi 10 bé tham gia vòng chung khảo sẽ ở Hà Nội một tháng để dự thi. Để có được 7 chương trình của vòng chung khảo như đã phát sóng trong suốt tháng 7, tháng 8, cả 10 thí sinh phải "cật lực" tham gia một quy trình đào tạo như học hát, học vũ đạo, được tập luyện bởi các chuyên gia thanh nhạc, chuyên gia vũ đạo… Có thể thấy các bé biểu diễn tự tin hơn, chuyên nghiệp hơn nhiều. Nhưng vòng chung kết mới là thử thách với 6 bé xuất sắc. Các em phải thể hiện mình là tài năng âm nhạc toàn diện khi tham gia các show phong cách (hát các thể loại jazz, rock, dân gian đương đại…), show hát live với ban nhạc, show hát các bài hát nhạc nước ngoài.

Tiếc cho một cuộc thi
Với khả năng hát, những màn trình diễn tự tin, đáng yêu, rõ ràng các thí sinh lọt vào vòng trong dù có giải thưởng hay không đều là tài năng âm nhạc. Tuy nhiên, cái mà ĐồRêMí - sân chơi âm nhạc lớn nhất cho thiếu nhi - làm được chỉ có thể là thế: Phát hiện tài năng âm nhạc. Sau khi giành giải thưởng cao nhất tại các kỳ ĐồRêMí, chẳng còn thấy Bảo Trâm (nhất 2007), Anh Thư (nhất 2008), Cát Tường, Thu Hoài (nhất 2009)… xuất hiện, biểu diễn. Trở về từ cuộc thi, tài năng của các bé chắc chắn sẽ tỏa sáng hơn nếu tiếp tục được học hát, học nhạc, học vũ đạo như khi tham gia ĐồRêMí. Âm nhạc Việt Nam từng chứng kiến hiện tượng bé Xuân Mai với cả một ekip sản xuất băng đĩa riêng, giọng hát Xuân Mai phổ cập tới từng gia đình có em bé, thiếu nhi. Xét về giọng hát, các bé nhận giải ĐồRêMí không thua kém Xuân Mai, song không phải bé nào cũng có điều kiện gia đình thuận lợi để có thể thành công như Xuân Mai. Tất nhiên, việc đào tạo tài năng vượt quá khả năng, trách nhiệm của một cuộc thi, một chương trình truyền hình. Nhưng sẽ là tốt hơn nếu ĐồRêMí không chỉ phát hiện tài năng, mà có được nguồn hỗ trợ, học bổng để các tài năng được tiếp tục học tập, trau dồi và phát huy khả năng của mình sau cuộc thi. Được biết, những cuộc thi tài năng âm nhạc cho người lớn như Vietnam Idol hay Sao Mai vẫn có các dự án, các trường nhận đào tạo cho thí sinh triển vọng.

Nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison có câu nói nổi tiếng "Thiên tài 1% là năng khiếu, còn 99% là mồ hôi". Chúng ta còn đang thiếu lắm môi trường để "mồ hôi" các tài năng nhí được đổ, được rèn rũa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lối đi nào cho tài năng âm nhạc “nhí”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.