Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi chưa thấy đâu, hại thì đã rõ!

Quỳnh Phạm| 18/09/2013 06:05

(HNM) - Đào tạo nhân lực ngành y vẫn luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là sau những vụ việc tiêu cực liên quan đến trình độ, y đức của một bộ phận cán bộ y tế trong thời gian qua.



Bộ Y tế cho rằng, Bộ GD-ĐT có phần trách nhiệm trong những bất cập về chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành y và đã có văn bản yêu cầu Bộ GD-ĐT phải mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm soát công tác đào tạo ở các trường.

Công tác đào tạo nhân lực cho ngành y hiện nay còn nhiều bất cập. Ảnh: TTXVN


Điểm thấp vẫn học ngành y

Kết quả khảo sát hiện trạng nhân lực y tế tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ cán bộ y tế so với dân số là 40,5 người/10.000 dân, nghĩa là thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý là tỷ lệ về số bác sĩ trên số dân chỉ là 6,59 bác sĩ/10.000 dân. Số cán bộ y tế dự phòng tuyến tỉnh hiện nay chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu, với tuyến huyện vào khoảng 1/2 nhu cầu.

Không chỉ thiếu hụt về số lượng, nguồn nhân lực này còn phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Nhân lực của các chuyên ngành cũng có sự mất cân đối, thiếu trầm trọng ở những chuyên ngành như truyền nhiễm, pháp y, giải phẫu bệnh, lao, phong… Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Y tế các địa phương, đối với các ngành dược, điều dưỡng, y sĩ thì hiện nay nhân lực y tế trình độ trung cấp ra trường đang ở tình trạng bão hòa.

Những bất cập nêu trên và thực tế cho thấy việc các cơ sở đào tạo ngành y phát triển "trăm hoa đua nở" trong thời gian vừa qua không những không giúp giải quyết được vấn đề số lượng và chất lượng nhân lực cho ngành, mà còn gây thêm nỗi băn khoăn về chất lượng đào tạo. Tính đến cuối năm 2012, cả nước có 26 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ ĐH, 74 trường CĐ và 44 trường trung cấp và dạy nghề. Trong số nói trên, có nhiều trường ngoài công lập và đào tạo đa ngành như ĐH Tân Tạo, ĐH Võ Trường Toản, ĐH Trà Vinh, ĐH Tây Đô, ĐH Lạc Hồng, ĐH Nguyễn Tất Thành... Điều ít người biết là nhiều trường có điểm chuẩn tuyển sinh không cao, thậm chí là chỉ cao hơn điểm sàn ở mức không đáng kể. Trường ĐH Trà Vinh đào tạo ngành y dược bậc ĐH với các chuyên ngành như y tế công cộng, xét nghiệm y học, y đa khoa, điều dưỡng, lấy điểm đầu vào từ 13 đến 14,5 điểm, cao nhất là ngành y đa khoa - 17,5 điểm. Trường ĐH Lạc Hồng có điểm chuẩn 16-17 cho ngành dược sĩ trình độ ĐH. Trong mùa tuyển sinh vừa qua, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển sinh nguyện vọng bổ sung cho ngành công nghệ sinh học y dược, điểm chuẩn bằng mức điểm sàn.

Thực tế trong công tác đào tạo nhân lực cho ngành y và những bất cập trong công tác khám chữa bệnh trong thời gian qua cho thấy việc xuất hiện ý kiến đòi "xem xét" trách nhiệm của ngành GD-ĐT không phải không có cơ sở!

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội thăm khám cho người cao tuổi. Ảnh: Bảo Lâm


Tội vạ thuộc về trường ngoài công lập?

Trước tình trạng mở ngành y tế ồ ạt tại các trường, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của các trường y dược, điều dưỡng, y tế công cộng thời gian tới là tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường phải xem lại cơ sở thực hành, quy trình quản lý cũng như cấu trúc chương trình đào tạo để sinh viên ra trường đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của xã hội. "Không thể duy trì cách đào tạo theo thị hiếu như hiện nay", ông Nguyễn Công Khẩn nhấn mạnh. Tại hội nghị sơ kết đổi mới quản lý giáo dục ĐH vừa qua, đại diện của Bộ Y tế cũng đã bày tỏ sự lo ngại về các trường ngoài công lập, cho rằng khối này khó lòng đáp ứng được việc gắn nhà trường với cơ sở thực hành, vốn là một yêu cầu rất cao, mang tính đặc thù của đào tạo nhân lực ngành y tế.

Trước kết quả khảo sát cho thấy, nhiều cơ sở không bảo đảm năng lực đào tạo ngành y, Bộ Y tế mới đây đã chính thức yêu cầu Bộ GD-ĐT có các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ việc mở ngành của các trường, đặc biệt là quá trình thẩm định mở ngành cần có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế. Liên quan tới công tác tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho rằng, nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế, dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường thấp hơn nhiều so với trường công lập, không phù hợp với quy hoạch của ngành và ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại việc giao chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế cho các cơ sở đào tạo ngoài công lập. Việc này cần căn cứ vào cả tiêu chí về năng lực chuyên môn và về cơ sở thực hành. Bộ Y tế cũng thúc giục Bộ GD-ĐT cùng thành lập đoàn giám sát, kiểm tra liên bộ để tiến hành kiểm tra các cơ sở giáo dục có đào tạo nhân lực y tế, đặc biệt là đối với các trường ngoài công lập.

Về phía Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận thực tế là nhiều trường có chất lượng đào tạo nhân lực y tế rất kém, thậm chí có tình trạng khi biết bị kiểm tra, cơ sở giáo dục mượn thiết bị y tế của doanh nghiệp về để "trưng bày", khi đoàn kiểm tra đi thì lại mang thiết bị đi trả. Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường kiểm tra đột xuất đối với những trường đã được cấp phép, đặc biệt là các cơ sở tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Liên quan tới yêu cầu được tham gia về mặt chuyên môn khi thẩm định mở ngành của Bộ Y tế, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nêu quan điểm: Bộ GD-ĐT không tham gia thẩm định việc mở ngành nên Bộ Y tế cũng không nên tham gia, việc đó nên theo đúng phân cấp quản lý giáo dục theo Nghị định 115 của Chính phủ để tránh chồng chéo. Tuy nhiên, do ngành y là ngành đặc thù nên Bộ GD-ĐT đồng ý cho chuyên gia y tế của các Sở Y tế cùng tham gia với Sở GD-ĐT thẩm định cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Về việc bảo đảm chất lượng đào tạo thì đã có khâu hậu kiểm. Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp thanh tra, kiểm tra trong từng giai đoạn để bảo đảm chất lượng đào tạo…

Sau những ý kiến "qua lại" trong những ngày qua, có vẻ như sự bất cập trong vấn đề đào tạo nhân lực y tế mới được mổ xẻ ở phần "vỏ" thay vì căn nguyên vấn đề. Trong thực tế, đối với công tác đào tạo nhân lực ngành y, hiện chúng ta đang loay hoay với bài toán ưu tiên số lượng hay chất lượng. Nếu không xác định rõ ràng về điều đó, rất khó để có giải pháp cơ bản đúng nhằm khắc phục bất cập hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi chưa thấy đâu, hại thì đã rõ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.