(HNM) - Thời gian qua, việc khai thác tài nguyên khoáng sản được xem như kiếm lợi khá dễ dàng, nên phát triển mạnh kể từ năm 2005 và cũng từ đó đến nay đã xảy ra nhiều bất cập trong hoạt động này.
Khai thác than ở Quảng Ninh.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay việc cấp phép không theo quy hoạch, vượt quy hoạch là tình trạng khá phổ biến ở nhiều địa phương. Thậm chí, không ít nơi còn "lách" luật chia những mỏ lớn ra thành những mỏ nhỏ để không phải xin phép ngành chức năng theo quy định. Một số DN không đủ năng lực, không có hồ sơ thiết kế mỏ, không làm báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc chỉ làm theo kiểu đối phó cho có thủ tục… nhưng vẫn được cấp phép. Số liệu của ngành chức năng cho thấy, trong số hơn 2.000 DN khai thác khoáng sản đang hoạt động, có hơn 90% là DN có quy mô vừa và nhỏ. Hầu hết các DN này không đủ khả năng đầu tư thiết bị và công nghệ để khai thác hiệu quả. Một số DN sau khi được cấp giấy phép đã thuê DN khác khai thác. Các DN được thuê chỉ tập trung khai thác những chỗ dễ, quặng giàu, thuận tiện cho việc vận chuyển, nên đã làm thất thoát, lãng phí tài nguyên. Đại diện ngành chức năng cho biết, tỷ lệ thu hồi ở các mỏ vàng chỉ đạt 30-40%, nghĩa là thất thoát 60-70%; mức thất thoát trong khai thác than hầm lò đến 40-60%, quặng apatit 26-33%; thất thoát bình quân ở các mỏ kim loại 10-30%. Việc thất thoát như vậy đã dẫn đến lãng phí nghiêm trọng nguồn tài nguyên. Mặt khác, hoạt động khai thác khoáng sản phát triển bừa bãi còn gây ra những tác hại nghiêm trọng về môi trường. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là cơ quan quản lý nhà nước biết khá rõ những bất cập này nhưng lại chưa có biện pháp khắc phục kịp thời.
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạm ngừng cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Trước mắt là hạn chế tình trạng cấp giấy phép thăm dò, khai thác "vô tội vạ" và sự buông lỏng quản lý của các địa phương. Bên cạnh đó là việc quy hoạch, điều tra về chủng loại và phân bố tài nguyên khoáng sản cần phải thực hiện cho khoa học để việc khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản đạt hiệu quả cao, tránh tình trạng chỉ xuất khẩu tài nguyên dưới dạng thô như hiện nay. Từ ngày 11-9-2011 Bộ Tài chính đã có quyết định nâng thuế suất thuế xuất khẩu nhiều loại khoáng sản. Tuy nhiên cũng cần xem xét lại việc xuất khẩu một số loại khoáng sản mà chúng ta không có nhiều, cả dưới dạng thô hoặc đã qua sơ chế. Đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.