(HNM) - Bộ GT-VT và một số nhà đầu tư đang triển khai lắp đặt thiết bị thu phí tự động không dừng trên một số tuyến đường.
Trạm thu phí không dừng thí điểm trên quốc lộ 1 đoạn Quảng Bình. |
Áp dụng công nghệ mới trong thu phí
Mới đây, Bộ GT-VT đã yêu cầu các nhà đầu tư dự án BOT khẩn trương lắp đặt hệ thống thu phí không dừng (TPKD) để sau ngày 30-6-2016 sẽ triển khai thu phí bằng công nghệ này tại 20 trạm trên quốc lộ 1 và 5 trạm trên đường Hồ Chí Minh. Trước đó, Bộ cùng nhà đầu tư đã triển khai 3 trạm thu phí mẫu tại tỉnh Quảng Bình, Nghệ An và Đắk Nông.
Theo Thứ trưởng phụ trách Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường, hiện trên các quốc lộ của cả nước hầu hết đều áp dụng công nghệ thu phí một dừng. Công nghệ này cần huy động một số lượng lớn nhân lực, trong khi hiệu quả không cao. Vì vậy, Bộ GT-VT đã lựa chọn công nghệ TPKD đã và đang áp dụng thành công ở nhiều quốc gia. Trạm TPKD mà Bộ đang xây dựng sử dụng công nghệ ETC nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) do Mỹ phát triển. Các trạm này còn đồng bộ, tích hợp nhiều tính năng quan trọng, như thu phí giao thông, kiểm soát đăng kiểm xe, kiểm soát tải trọng, xử lý vi phạm luật giao thông. Công nghệ này được đánh giá phù hợp với nhiều loại thời tiết, độ chính xác tới 98%. Chủ phương tiện sẽ được phát miễn phí một thẻ định danh (E-Tag) để dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Tài khoản này có thể dễ dàng nạp tiền trực tiếp hoặc nạp qua internet, qua ngân hàng, gửi tin nhắn SMS... Khi xe đã dán E-Tag chạy vào làn thu phí, hệ thống tự động nhận diện. Nếu đủ điều kiện, các thanh chắn barie sẽ mở tự động để xe qua. Tổng thời gian xe qua trạm chỉ còn 3-5 giây sẽ hạn chế ùn tắc giao thông, ít gây lãng phí nguồn lực xã hội...
Phải thống nhất công nghệ trên toàn quốc
Từ thực tiễn triển khai trạm thu phí mẫu tại Quảng Bình, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco tính toán, mỗi lần dừng xe nộp phí sẽ làm chậm hành trình của phương tiện 2-3 phút, tăng thời gian lưu thông 4-5% và tiêu tốn thêm 7-8% nhiên liệu khi lưu thông trên đường cao tốc. Việc áp dụng công nghệ TPKD trên cả nước sẽ tiết kiệm khoảng 70 tỷ đồng/năm tiền in vé và 233 tỷ đồng/năm chi phí nhiên liệu. Ngoài ra, còn tiết kiệm được tiền lương cũng như chi phí cho nhân viên thu phí, lương tài xế và thời gian chờ đợi cho người tham gia giao thông khoảng 2.800 tỷ đồng/năm. Ước tính tổng cộng lợi ích kinh tế - xã hội khi áp dụng hệ thống TPKD trên cả nước là khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.
Là chủ đầu tư và cũng đã thực hiện hình thức TPKD trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, ông Lê Quang Hào, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nhận định: Để nâng cao hiệu quả mô hình này cần giải quyết tốt một số vấn đề. Cụ thể, để đáp ứng đa dạng nhu cầu người dùng, cần xây dựng tài khoản của phương tiện để thu phí tự động và quy trình thanh toán liên ngân hàng phải bảo đảm cung cấp dịch vụ tiện ích cho người sử dụng; cần thống nhất công nghệ trên toàn quốc về hệ thống nhận dạng xe và phân loại xe. Nếu không thống nhất công nghệ sẽ dẫn đến phương tiện giao thông phải gắn nhiều thiết bị nhận dạng, tốn kém và bất tiện cho lái xe.
"Ngoài ra, cùng với tăng cường tuyên truyền thì phải có các chế tài đối với các hành vi gian lận cước phí của người tham gia giao thông. Tại tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thời gian qua đã xuất hiện các trường hợp lái xe có hành vi gian lận, khai báo mất thẻ để đổi thẻ đầu vào nhằm mục đích gian lận cước phí. Mặc dù VEC đã có nhiều biện pháp xử lý như ghi rõ biển số xe, ca làm việc trên thẻ đầu vào, thu phí với chặng dài nhất; bắt bồi thường 200.000 đồng/trường hợp lái xe làm mất thẻ kiểm soát đường cao tốc, hoặc không xuất trình được thẻ kiểm soát đầu vào đường cao tốc tại các đầu ra..., song tình trạng này vẫn tồn tại" - ông Hào nói.
Thứ trưởng phụ trách Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường: Sau năm 2020 sẽ thu phí tự động hoàn toàn Giai đoạn đầu, các trạm thu phí vẫn áp dụng song song một nửa số làn TPKD và một nửa là thu phí một dừng để phục vụ đa dạng nhu cầu chủ phương tiện. Bộ phấn đấu triển khai đồng bộ hệ thống TPKD trên toàn quốc trước năm 2020. Sau năm 2020, sẽ thu phí tự động hoàn toàn tại tất cả trạm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.