Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi bất cập hại

Tư Văn| 15/04/2010 07:10

(HNM) - Từ khi đi thăm đứa cháu ngoại bị ngộ độc do ăn rau nhiễm hóa chất nằm điều trị tại bệnh viện ở huyện bên về, bà Miên luôn ân hận vì những việc làm của mình. Nhà bà ở vùng ven bãi sông Đáy, huyện Hoài Đức (Hà Nội) chuyên trồng rau cung cấp ra thị trường nhưng không tuân thủ quy định bảo đảm an toàn.

Mặc dù được cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội tập huấn nhiều lần và được khuyến cáo chỉ thu hoạch rau quả sau khi phun thuốc trừ sâu, hóa chất 20 ngày, nhưng vì lợi ích trước mắt, nhiều lần bà đã dùng các loại hóa chất kích thích phun, tưới cho rau nhanh lớn rồi thu hoạch sau vài ngày, bán cho người tiêu dùng. Không biết những gánh rau ấy khiến bao nhiêu người ăn phải bị ngộ độc hay chí ít cũng bị nhiễm hóa chất độc hại tồn dư trong rau? Liệu đứa cháu ngoại bà bị ngộ độc có phải là quả báo, "gậy ông lại đập lưng ông"? Câu hỏi ấy khiến bà Miên nhiều lần giật mình thon thót.

Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, bà Miên quyết định không sử dụng chất kích thích phun, tưới cho rau; hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và chỉ khi rau thật an toàn mới đem ra thị trường tiêu thụ. Mặc dù lợi ích kinh tế giảm đi, nhưng lòng bà thật thanh thản. Bà chợt nhận ra rằng, việc phun chất kích thích tăng trưởng cho rau là "lợi bất cập hại" và việc bảo vệ người khác là bảo vệ chính người thân của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi bất cập hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.