Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lời ăn, lỗ... không chịu!

Lê Nhật Huy| 28/07/2011 07:20

Tại phiên họp báo của Chính phủ, tổ chức ngày 24-7, trả lời câu hỏi của báo giới về khả năng giảm giá bán lẻ xăng dầu, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định: Khi giá dầu thế giới giảm, ưu tiên khôi phục thuế nhập khẩu và bảo đảm DN kinh doanh có lãi thì mới giảm giá cho người tiêu dùng.


Như vậy, một khía cạnh được dư luận đặc biệt quan tâm trong hai tuần qua đã có câu trả lời. Cụ thể là giá bán lẻ xăng dầu chưa giảm. Tuy nhiên, một khía cạnh khác trong vấn đề này là hiện nay DN kinh doanh xăng dầu đang lỗ hay lãi thì còn phải chờ... hồi sau mới rõ.

Chuyện là Petrolimex-DN chiếm hơn 60% thị phần xăng dầu trong nước mấy năm nay liên tục kêu ca là thua lỗ trong kinh doanh. Vì thế, Nhà nước liên tục phải bù lỗ xăng dầu và giá mặt hàng này phải điều chỉnh tăng tới 4-5 lần trong thời gian qua. Trong quý I-2011, Petrolimex tuyên bố lỗ 1.200 tỷ đồng. Còn 6 tháng đầu năm, con số lỗ mà Tổng Giám đốc Petrolimex xác nhận là khoảng 1.500 tỷ đồng... Thế mà mới đây, trong buổi giới thiệu bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), lãnh đạo Petrolimex thông báo, theo kế hoạch lợi nhuận hợp nhất năm 2011, Petrolimex sẽ đạt hơn 1.660 tỷ đồng; đến năm 2012 dự kiến lãi ròng khoảng 2.019 tỷ đồng...

Nghe mà phát hoảng. Không lẽ có hai sự thật trái ngược nhau giữa lỗ và lãi trong việc kinh doanh cùng một mặt hàng của một chủ thể là Petrolimex. Người tiêu dùng bức xúc cho rằng, trong một thời gian dài, cả Nhà nước và xã hội đều đã... bị đánh lạc hướng để rồi phải chia sẻ khó khăn trong khi DN thu khoản lãi hằng năm lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Báo giới tất tả ngược xuôi phỏng vấn nhiều vị lãnh đạo các ngành để tìm sự thật. Có ý kiến cho rằng, việc Petrolimex báo cáo lãi chỉ là dự kiến từ nay đến cuối năm. Nhưng, như vậy có thỏa đáng khi báo cáo tài chính mấy năm trước của Petrolimex đều khẳng định có lãi, ít nhất là gần 100 tỷ đồng và nhiều nhất tới hơn 2.000 tỷ đồng? Lại có ý kiến, Petrolimex lãi lớn như thế không phải nhờ kinh doanh xăng dầu trong nước mà là tái xuất xăng dầu. Tuy nhiên, theo tài liệu do Petrolimex công bố, sản lượng xăng dầu tái xuất và chuyển khẩu rất nhỏ so với nhập về tiêu thụ nội địa. Ví dụ, năm 2009 nội địa tiêu thụ 7,43 triệu mét khối thì tái xuất và chuyển khẩu chỉ 1,89 triệu mét khối. Năm 2010, tiêu thụ 7,62 triệu mét khối, tái xuất là 1,3 triệu mét khối...

Cuối cùng, để rõ thực hư chuyện lỗ lãi của Petrolimex, phải chờ kết quả của Kiểm toán Nhà nước. Và vấn đề là ở đó. Đúng ra, đối với các DN, tập đoàn kinh tế chuyên sản xuất, kinh doanh những mặt hàng đặc thù, những mặt hàng trọng yếu trong xã hội, hằng năm công tác thanh tra, kiểm soát phải được chú trọng bởi hoạt động của những đơn vị này có tác động liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội và một phần không nhỏ vốn và tài sản của các đơn vị này là của nhà nước, tức là do sự đóng góp chung của toàn xã hội. Nếu chặt chẽ như thế, chắc chắn sẽ không xảy ra thất thoát lớn như ở Vinashin hay thực hư chuyện lỗ lãi không biết thế nào mà lần ở Petrolimex... Nói như TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả: Vấn đề ở đây là sự minh bạch. Cũng có nhiều cơ quan được giao thực hiện chức năng này, nhưng xem ra...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời ăn, lỗ... không chịu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.