(HNM) - Có thói quen uống trà mỗi sớm, nhưng sáng 25-2, ông H. (ở ngõ 248 Bách Khoa) mới nhớ ra lọ trà đã hết từ tối qua, đang loay hoay chưa biết làm sao, thì cậu con lên tiếng:
- Bố hết trà pha rồi ạ, để con chạy ra ngõ mua nhé…
- Thôi con, vì hàng trà bố ưng uống mãi dưới chợ Hôm cơ… Để chiều đi làm về bố mua cũng được…
Như sực nhớ ra, cậu con lôi trong túi xách ra mấy phong trà bọc giấy bạc, "Bố uống tạm trà này đi, đây cũng trà Thái bố thích uống đấy"…
Ông H. đón mấy gói trà bọc trong phong giấy bạc, bao bì in màu rất đẹp và bắt mắt, ngoài đề "Trà ướp sen, đặc sản Thái Nguyên". Nghĩ bụng bấy lâu nay trà Thái Nguyên vẫn là thương hiệu nổi tiếng, dẫu là loại nào chắc cũng chấp nhận được, ông H. cẩn thận tráng ấm chén rồi khui phong trà. Nhưng khi vừa mở ra, ông H. thất vọng vì bên trong chẳng có búp, cánh gì mà láo nháo toàn lá vụn, nửa khô nửa xanh chưa từng thấy ở bất cứ loại trà nào. Ông hỏi con:
- Trà con mua, hay ở đâu ra thế?
- Dạ, đây là trà "lộc", con đi lễ cùng gia đình đứa bạn, được "thụ lộc" chia mấy gói đấy ạ, nhà nó đi lễ lần nào cũng mua toàn loại trà đẹp và sang này "sắp lễ" mà…
E cậu con không vui, ông H. lắc đầu rồi tế nhị lẳng lặng bỏ mấy gói trà vào sọt rác. Viết thư kể lại câu chuyện với Người Xây Dựng, ông H. thắc mắc: Những phong trà rởm nhái thương hiệu uy tín của một vùng đất nổi tiếng cả nước như vậy, vẫn được bày bán ngang nhiên, có thể gặp ở bất cứ sạp hàng nào trong các chợ và quanh nhiều đền, chùa xung quanh Thủ đô. Chưa nói đến uy tín thương hiệu bị xâm hại, chất lượng an toàn vệ sinh trong các gói trà kia chắc chắn không thể bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm bán cho người đi lễ như thế là phải tội đã đành, mà cơ quan chức năng để tồn tại hiện tượng này cũng rất cần phải phê phán, chấn chỉnh kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.