(HNM) - Như chúng tôi đã đề cập, để quản lý hoạt động thu gom, tiêu hủy chất thải trên địa bàn Thủ đô đạt hiệu quả rất cần một giải pháp đồng bộ, chứ không đơn thuần thấy sai thì xử phạt. Tuy nhiên, dù đã có rất nhiều cố gắng song Hà Nội vẫn chưa tìm được lời giải thấu đáo
Thuộc sự quản lý của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) có tổng diện tích giai đoạn 1 là 83,5 ha, gồm 9 ô chôn lấp hợp vệ sinh, trạm xử lý nước rác, khu xử lý chất thải công nghiệp. Theo thiết kế tính toán từ năm 2000, khu liên hợp có thể tiếp nhận và xử lý lượng rác thu gom từ các quận, huyện (thuộc Hà Nội cũ) khoảng 2.000 tấn/ngày. Thực tế hiện mỗi ngày bãi rác Nam Sơn tiếp nhận và xử lý khoảng 4.200 tấn chất thải sinh hoạt của 10 quận nội thành và 9 huyện. Theo đại diện URENCO, dù đã được thành phố cho phép hợp nhất 5 ô thành một ô chôn lấp lớn, nhưng với khối lượng rác tiếp nhận quá lớn như hiện nay, dự kiến, đến hết quý II năm 2014, các ô chôn lấp sẽ đầy không còn khả năng tiếp nhận xử lý rác.
Trong khi khu xử lý chất thải Nam Sơn đang quá tải thì hàng loạt dự án khu xử lý rác thải trên địa bàn thành phố vẫn dở dang hoặc chậm tiến độ. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, trong 5 dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại xã Việt Hùng (Đông Anh); xã Phương Đình (Đan Phượng), xã Lại Thượng (Thạch Thất), xã Châu Can (Phú Xuyên), xã Hợp Thanh (Mỹ Đức) thì dự án nhanh nhất tại Đông Anh cũng phải tới năm 2014 mới đi vào hoạt động. Số còn lại đang trong quá trình triển khai bước đầu, thậm chí có dự án mới đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong khi đó, chủ trương thành lập các điểm trung chuyển, tập kết rác hay xử lý tại chỗ ở tuyến huyện cũng triển khai rất chậm.
Hà Nội từng phải đối mặt với nhiều vấn đề khi xảy ra sự cố ùn ứ hàng nghìn tấn rác thải ở bãi chứa rác núi Thoong (Chương Mỹ) và bãi rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). Nếu bãi rác Nam Sơn - khu tập kết và xử lý rác lớn nhất của Hà Nội đóng cửa, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn về môi trường. Hãy thử hình dung, chỉ trong một ngày có tới 3.500 tấn rác thải sinh hoạt của 4 quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) không được xử lý, điều gì sẽ xảy ra?
Tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường
Hà Nội là một trong những thủ đô lớn trên thế giới, nhưng quỹ đất dành cho chôn lấp rác gần như cạn kiệt. Năm 2009, trong Nghị quyết 03 về "Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2010", HĐND thành phố đã định hướng, việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt giao cho các quận, huyện, thị xã quản lý và chủ động thực hiện theo phương thức xã hội hóa, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Đối với việc xây dựng và vận hành các khu xử lý chất thải rắn, trên cơ sở quy hoạch các khu xử lý tập trung quy mô thành phố, quy mô huyện và liên huyện cho từng thời kỳ, chuyển mạnh việc Nhà nước trực tiếp đầu tư sang chủ yếu là Nhà nước khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ chi phí vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt. Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt, chủ trương này mở ra hướng xử lý rác thải ngay tại chỗ thay vì phải vận chuyển đến bãi rác tập trung như Nam Sơn. Song, đáng tiếc việc triển khai chưa đạt kết quả như mong muốn. Qua giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cho thấy, việc xã hội hóa thu gom rác thải hiện đang triển khai khá tốt nhưng công tác kêu gọi xã hội hóa trong xử lý rác thì gặp nhiều khó khăn. Toàn thành phố mới chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia công tác này nên phần lớn các dự án đều phải chỉ định thầu.
Nghị quyết 03 của HĐND thành phố cũng đề cập tới việc xây dựng các khu xử lý chất thải rắn quy mô cấp huyện và liên huyện nhằm đáp ứng được yêu cầu về xây dựng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, chủ trương tổ chức xử lý rác tại tuyến huyện đang gặp khó khăn về cả địa điểm và kinh phí. Rõ ràng là rác của địa phương mình thải ra, nhưng chính quyền các cấp lại không mấy mặn mà với việc xử lý tại chỗ, mà luôn mong muốn vận chuyển đi nơi khác. Chính điều này đã và đang góp phần gây nên sức ép cho bãi rác chính Nam Sơn. Trong khi đó, chi phí vận chuyển rác theo Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Nguyễn Thanh Mai, hiện đang chiếm 30% tổng chi phí xử lý rác. Do đó, nếu không tiến hành nhanh chủ trương mỗi huyện có một điểm xử lý rác thì vừa tốn kém vừa không bảo đảm về an toàn vệ sinh môi trường. Đồng tình với quan điểm này, đại diện Sở Xây dựng cho rằng, tại 18 huyện hiện nay chỉ cần mỗi huyện có từ một đến hai điểm tập kết, trung chuyển rác thì đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Ngoài khâu thu gom, việc ứng dụng công nghệ trong xử lý, chế biến rác thải cũng cần được quan tâm đúng mức. Theo tính toán của Sở Xây dựng, khung giá xử lý rác thải từ chôn lấp là 76 nghìn đồng/ tấn, nếu đốt là 376 nghìn đồng/tấn và trong vòng 10 năm tới Hà Nội vẫn xử lý rác theo hướng kết hợp đốt và chôn lấp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về lĩnh vực này, để bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, việc đầu tư công nghệ, xử lý đốt rác thải tại chỗ là cần thiết.
Cũng như nhiều đô thị khác, xử lý rác thải đang là bài toán phức tạp đối với Thủ đô Hà Nội. Ai cũng biết nếu như xử lý rác thải tốt vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, phát triển đô thị bền vững, vừa tiết kiệm chi phí nhưng để làm được điều đó cần có sự cộng đồng trách nhiệm của chính quyền các cấp, ý thức của mỗi người dân và nỗ lực của các cơ quan quản lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.