(HNM) - Mạng lưới cấp nước sinh hoạt nông thôn lâu nay bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập, nhiều công trình bị xuống cấp, chất lượng nước không bảo đảm.
Việc thống nhất lựa chọn mô hình quản lý, khai thác, tiêu thụ nước sạch tại các công trình cấp nước tập trung ở khu vực ngoại thành Hà Nội hiệu quả, bền vững là vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Trạm cấp nước sạch xã Liên Bạt (Ứng Hòa) bị “đắp chiếu” gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: Thúy Nga |
Ông Lê Văn Dương, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội cho biết, bằng các nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân đóng góp, thành phố đã đầu tư xây dựng 123 công trình cấp nước tập trung công suất từ 200 đến 2.000m3/ngày đêm. Ngoài những công trình xây dựng từ lâu bị hư hỏng, xuống cấp không thể hoạt động được, hiện khu vực ngoại thành có 95 công trình cấp nước tập trung đang hoạt động cung cấp nước cho khoảng 8,65% dân số nông thôn. Do khai thác trong thời gian dài, công nghệ xử lý đơn giản nên chất lượng nước một số công trình có hàm lượng amoni, kim loại nặng vượt tiêu chuẩn cho phép. Trong khi đó, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra chất lượng nước và xử lý sự cố tại chỗ còn nghèo nàn, lạc hậu; công tác kiểm tra, giám sát và xử lý những cơ sở sản xuất cung ứng dịch vụ nước sạch còn hạn chế. Giá tiêu thụ nước thấp cũng chưa được tính đúng, tính đủ; thiếu chi phí khấu hao tài sản cố định để vận hành bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nên công trình xuống cấp nhanh...
Trước tình hình phát triển kinh tế, xã hội, việc cấp nước sạch nông thôn được các cấp, các ngành của thành phố quan tâm và được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi. Vì vậy, mấy năm qua đã xuất hiện doanh nghiệp và tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nước sạch nông thôn. Trong số công trình cấp nước đang hoạt động có 26 trạm do doanh nghiệp, tư nhân quản lý, 34 trạm do HTX quản lý, còn lại 31 trạm cấp nước tập trung do cộng đồng quản lý. Tuy nhiên, do việc hoàn vốn đầu tư chậm và một số vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư nên số vốn đầu tư của doanh nghiệp, tư nhân vào lĩnh vực này cầm chừng. Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình giao cho doanh nghiệp quản lý trạm cấp nước tập trung là giải pháp hợp lý, song vẫn gặp phải những trở ngại bởi thực tế, lâu nay, các mô hình cộng đồng, HTX, xã thu giá nước khá thấp. Nếu chuyển đổi sang tư nhân, mức giá nước cao hơn, người sử dụng khó chấp nhận.
Để khắc phục những tồn tại trên, Sở NN&PTNT đang lập Đề án "Quản lý, vận hành và phương án sản xuất, tiêu thụ nước sạch tại các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn thành phố của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội giai đoạn đến năm 2020". Thực hiện mô hình này, công nghệ, nâng cấp thiết bị được quan tâm đầu tư nhiều hơn; công nhân được đào tạo bài bản; công cụ, phương tiện kiểm tra, xử lý sự cố kịp thời xảy ra trong quá trình vận hành trạm cấp nước được trang bị đầy đủ; chất lượng nước được xét nghiệm định kỳ, chịu sự giám sát của người dân và cơ quan chuyên môn... Tuy nhiên, để thực hiện thành công mô hình này, đòi hỏi sự tham gia, xem xét, thống nhất tích cực của các sở, ngành và địa phương mới khả thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.