(HNM) - Để tái cấu trúc (TCT) nền kinh tế TP Hồ Chí Minh, các nhà khoa học cho rằng phải lựa chọn những ngành hàng tạo ra sự khác biệt dựa trên ưu thế của TP; phải lấy năng suất, cạnh tranh làm thước đo của sự lựa chọn.
Cấu trúc kinh tế không còn phù hợp
Kinh tế TP Hồ Chí Minh đang tăng trưởng nhanh hơn so với cả nước, tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu phát triển (NCPT) TP, nền kinh tế này vẫn còn mang tính tự phát, chất lượng tăng trưởng thấp, thiếu bền vững, năng lực cạnh tranh thấp. Trong khi đó, các chính sách phát triển TP đưa ra chưa đủ mạnh để định hướng đầu tư, nên có những ngành nghề dù được khuyến khích nhưng DN vẫn chỉ đi theo xu hướng ngành nào phù hợp thì sản xuất. Vì vậy, cấu trúc kinh tế thời gian qua dịch chuyển chậm chạp và theo chiều rộng hơn chiều sâu. Viện NCPT TP cho rằng, cấu trúc kinh tế của TP hiện không còn phù hợp, nếu cứ tiếp tục duy trì sẽ ảnh hưởng không tốt đến phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cho biết, TP vẫn đang thực hiện chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011- 2015; đồng thời thực hiện TCT theo ba lĩnh vực Chính phủ đề ra là TCT đầu tư công, tài chính ngân hàng và DN nhà nước. Tuy nhiên, TP vẫn muốn tìm thêm điểm riêng trong TCT nhằm phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của mình. Hiện TP đã giao Viện NCPT TP soạn thảo đề án TCT kinh tế để có luận cứ khoa học trong việc xác định những việc cụ thể cần làm trong thời gian tới.
Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, trước khi làm cái đúng thì phải sửa cái sai. Vì vậy, cách tiếp cận tốt nhất là xác định rõ những nguyên nhân cản trở kinh tế phát triển bằng những câu hỏi cụ thể như tại sao khả năng cạnh tranh giảm, giá trị gia tăng trên sản phẩm giảm; tại sao chi phí tăng cao… từ đó xác định những việc phải làm, những công cụ chính sách nhằm khắc phục những hạn chế trên, tạo ra sự năng động cho DN hoạt động, đóng góp vào sự phát triển của TP.
Phát triển tổng thể dựa trên ngành mũi nhọn
Góp ý vào đề án TCT do Viện NCPT TP đưa ra là thực hiện TCT theo từng khu vực kinh tế như nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ… các chuyên gia kinh tế cho rằng, đề án còn chung chung và quá rộng, TP chỉ nên xác định những điểm đột phá để tập trung TCT. Ông Trần Sinh, Giám đốc Trung tâm Kinh tế miền Nam cũng nhận định, TP cần tập trung cho sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, phát triển thương mại dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho rằng, đừng kỳ vọng TCT nền kinh tế của TP trong vòng 1-2 năm. Giải quyết bài toán TCT phải mang tính tổng thể, chấp nhận đi chậm mà chắc chắn. Ông Dưỡng cũng đồng ý rằng, không nên chọn riêng một ngành để phát triển vì các ngành luôn tác động, căng kéo lẫn nhau. Chuyên gia kinh tế này ví von, giải bài toán TCT kinh tế TP như giải quyết kẹt xe, xe nào dễ đi thì tạo điều kiện cho đi trước để tạo khoảng trống cho tất cả cùng vượt qua. Vấn đề hiện nay là nhận dạng kinh tế TP đang như thế nào, rồi đánh giá ngành nghề nào phù hợp thì phát triển ngành đó. Cách làm là chọn ra các cụm ngành hàng chủ lực của nền kinh tế, như chọn 10 ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của TP, 10 ngành hàng cung ứng cho các tỉnh, thành lớn nhất, 10 ngành hàng có giá trị gia tăng lớn nhất… rồi xem những ngành hàng đó đang ở trạng thái phát triển nào và bắt đầu giải quyết. Phương pháp đột phá là giải quyết ngành hàng mũi nhọn trong cụm ngành hàng đó. Nếu có chính sách tác động đúng, ngành hàng mũi nhọn đi lên thì sẽ tạo sự căng kéo những ngành hàng khác cũng phát triển, tạo ra sự bền vững.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà thẳng thắn thừa nhận, việc xây dựng đề án TCT có rất nhiều khó khăn. Cái khó nhất là nhận dạng khiếm khuyết từ đâu, và bắt đầu giải quyết từ khâu nào để TCT. Ông Hà cho biết, sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học để có được những luận cứ khoa học chắc chắn cho TCT nền kinh tế của TP. TP cũng đang đề nghị các hiệp hội ngành hàng, các DN đề xuất các chính sách để tìm ra những cơ chế hỗ trợ cho DN, cũng như tìm ra những ưu thế riêng để tạo sự phát triển đột phá của TP bên cạnh sự phát triển chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.