(HNM) - Có một nghịch lý với người chăn nuôi: Ở đầu vào, họ phải chấp nhận mua con giống, thức ăn chăn nuôi với giá ngày một cao. Ở đầu ra, họ bị sức ép cạnh tranh của sản phẩm nhập ngoại, bị thương lái ép giá.
“Sạch” và “bẩn” bằng nhau
Ông Trần Đức Minh (ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) năm ngoái xuất chuồng 100 con lợn thịt với giá 49.500 đồng/kg. Số này được ông Minh gây từ 10 con lợn nái. Từ số lợn nái này, mỗi năm được 200 lợn bột, xuất chuồng một nửa, số còn lại ông giữ để nuôi vỗ. Ở Đồng Nai, tỉnh nuôi lợn vào diện lớn nhất nước, hộ chăn nuôi như ông Minh vẫn thuộc loại nhỏ. Chính vì thế, ông Minh thuộc đối tượng của dự án "Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm" (LIFSAP) Đồng Nai. Từ năm 2013, ông Minh chuyển sang nuôi lợn kiểu mới tuân thủ đúng quy trình, tiêu chí của LIFSAP về chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh, không dùng thuốc tăng trọng, không dùng thức ăn có chứa kháng sinh… Thực hiện quy trình mới, ông Minh hiện chỉ băn khoăn một điều, lợn của ông khi xuất chuồng là lợn sạch nhưng chỉ bán được bằng giá so với lợn nuôi không được kiểm soát theo quy trình.
Chăm sóc gia cầm tại trang trại của hộ gia đình. Ảnh: Khánh Nguyên |
Cùng ấp Bình Hòa với ông Minh, ông Đậu Trọng Vân đã nuôi lợn từ 10 năm nay, nguồn thu chính là chăn nuôi nhưng từ trước đến nay, ông Vân vẫn phải bán lợn cho thương lái với giá thỏa thuận. Giờ tham gia dự án LIFSAP được 3 tháng, khu chuồng trại của ông Vân đã lớn hơn, số lượng lợn nhiều hơn và quan trọng là đã áp dụng kỹ thuật nuôi kiểu mới... Hộ ông Minh và hộ ông Vân là 2 trong số 20 hộ chăn nuôi nhỏ thuộc nhóm tham gia dự án LIFSAP Đồng Nai ở xã Xuân Phú do ông Lương Hồng Đoán làm trưởng nhóm. Ông Đoán cho biết, chăn nuôi kiểu mới nhiều lợi ích: Ít dịch bệnh hơn, chi phí thức ăn giảm, tốc độ tăng trưởng khá, sản phẩm là thịt sạch. Tóm lại, nuôi theo kiểu mới hiệu quả hơn hẳn kiểu cũ. Ông Đoán mong muốn rằng, nhóm của ông sẽ mở rộng ra tới 50 hay 100 hộ để cung cấp nhiều thịt sạch hơn. Tuy nhiên, trong khi mong muốn của ông chưa thành hiện thực, những hộ trong nhóm của ông vẫn phải bán lợn sạch theo giá lợn thường vì giá cả do thương lái thao túng.
Là một tỉnh chăn nuôi lợn nhiều nhất cả nước, Đồng Nai hiện đang phân loại theo các mức: Nông hộ có mức từ 100 con lợn thịt trở xuống; trang trại có mức nuôi từ 100 con lợn thịt trở lên. Nếu theo cách phân loại này, toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 2.400 trang trại nuôi lợn tập trung. Trang trại của anh Nguyễn Văn Chiểu ở xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất nằm trong số trang trại nuôi lợn tập trung. Đi lên từ chăn nuôi nhỏ, hiện nay anh Chiểu đã có trang trại rộng hơn 2ha nuôi khoảng 4.000 lợn, trong đó có 500 lợn nái, 600 lợn con theo mẹ, 600 lợn cai sữa còn lại là lợn thịt. Điểm ưu việt ở mô hình của anh Chiểu là áp dụng kỹ thuật nuôi lợn trên đệm lót sinh học làm từ trấu hoặc mùn cưa được lên men vi sinh, cho lợn ăn bằng cám bột ngô, khô đậu nành được ủ lên men vi sinh có nguồn gốc từ Nhật Bản. Dù trang trại của anh chưa phải là lớn nhất nhưng số trang trại như vậy ở Đồng Nai không phải là nhiều. Đứng trong tốp đầu, nhưng với anh Chiểu cũng như những hộ chăn nuôi ở Đồng Nai, mối lo lớn nhất hiện nay vẫn là giá cả, bởi ngoài chuyện bấp bênh của thị trường thì chuyện thực phẩm sạch và thực phẩm bẩn vẫn đang bị đánh đồng, chưa có một kênh phân phối riêng, nâng cao giá trị cho thực phẩm sạch.
Lối ra chưa rõ
Tổ hợp tác nuôi chim cút Nguyễn Hồ của ông Trần Nguyễn Hồ xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang khá nổi tiếng và ông Trần Nguyễn Hồ thường được người dân gọi là "Vua chim cút". Khởi đầu từ năm 2000 với khoảng 1.000 con và đến nay với hàng chục xã viên, mỗi xã viên đã nuôi lên đến 20.000 con. Bước đầu thành công, ông đã đăng ký thương hiệu Việt và đưa lên mạng internet. Ông Trần Nguyễn Hồ khoe: "Giờ cứ tra Google là thấy".
Bây giờ, chuồng trại nuôi chim cút đã được ông cải tạo, xây dựng thoáng sạch, được làm mát, trên mái kín bóng lá dừa. Ngoài ra, ông Trần Nguyễn Hồ còn chế cả máy phun sương pha thuốc khử trùng, làm mát và khử trùng không khí quanh chuồng. Trứng cút của nhà ông đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố từ Nghệ An, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, sang Campuchia và đã đến với thị trường khó tính là Nhật Bản. Ông Trần Nguyễn Hồ cho biết, để có thành công như hôm nay, ông đã trải qua nhiều phen lao đao và đã hai lần "hút" chết. Những ngày đầu, do chưa hiểu rõ tập tính và bệnh dịch của chim cút nên có lần cả đàn chim lăn ra chết. Lại mò mẫm từ đầu! Lần này, ông Trần Nguyễn Hồ quyết định chuyển từ nuôi công nghiệp bằng cám có kháng sinh sang nuôi theo quy trình sinh học không kháng sinh. Thế nhưng chẳng bao lâu, đàn chim của ông lại quay ra ốm hàng loạt, đẻ trứng không đều. "Hai lần hút chết vì dịch bệnh và nuôi chim không đúng quy trình đã đành, không ít lần gia đình tôi còn lao đao vì giá trứng cút xuống thấp dưới mức giá thành" - Ông Trần Nguyễn Hồ nhớ lại. Sau nhiều phen lao đao, ông đã tự mình thoát hiểm. Với ông Trần Nguyễn Hồ, điều trở ngại lớn nhất cho những người chăn nuôi là "rất khó tiếp cận được vốn vay với lãi suất ưu đãi". Kinh nghiệm từ bản thân ông cho thấy chỉ khi nào người chăn nuôi tiếp cận được với nguồn vốn vay an toàn thì họ mới yên tâm phát triển sản xuất theo hướng lâu dài.
Nếu như ở huyện Châu Thành, ông Trần Nguyễn Hồ nổi danh với tiếng "Vua chim cút" thì ở huyện Chợ Gạo, Nguyễn Thanh Liêm mới nổi lên với thương hiệu "Gà tre Hương Việt". Năm 2008, đi các tỉnh tìm mua được khoảng 200 con, sau một năm nuôi thử, anh quyết gây giống nuôi gà tre lấy thịt, một hướng đi ít người nghĩ đến. Thời kỳ đầu, anh chọn những con có cân nặng trung bình để nuôi lấy thịt rồi chuyển qua nuôi công nghiệp khi đã làm chủ được giống. Ngày thịt gà tre mới ra thị trường, Nguyễn Thanh Liêm bị một phen khốn đốn vì chẳng mấy ai biết đến chất lượng thịt của con gà tre. Rút kinh nghiệm, anh bắt tay vào tổ chức thị trường. Đến khi có thị trường, anh lại thêm một lần lao đao vì không bảo đảm được chất lượng thịt khi mua lại gà thịt từ những nơi anh đã bán giống cho họ. Quyết làm lại từ đầu vì "chết là tại mình", Liêm chuyển sang nuôi gia công ở các hộ chăn nuôi vệ tinh yêu cầu theo đúng quy trình, loại cám, hương liệu thảo mộc mà anh cung cấp. Đặc biệt, anh Liêm đã nhờ các nhà khoa học tìm ra được hương liệu thảo mộc từ 12 loại dược liệu tự nhiên như gừng, nghệ, tỏi, quế... để trộn với cám vi sinh vừa tăng sức đề kháng cho gà vừa tăng độ thơm của thịt. Với mô hình khép kín từ con giống đến chất lượng thịt và khâu thị trường, thương hiệu Gà tre Hương Việt đã vững chân ở thị trường cả nước. Năm 2014, tổng đàn gà tre của Liêm khoảng 80.000 con mà không cung cấp kịp theo đơn đặt hàng nên dự kiến 2015 sẽ tăng lên tới 200.000 con. Năm vừa rồi, Nguyễn Thanh Liêm lãi khoảng 1 tỷ đồng từ nuôi gà tre.
Dù có những bí quyết thoát vây riêng, nhưng cả "Vua chim cút" lẫn "Liêm gà tre" đều giống nhau một điểm là tự lực cánh sinh, không trông chờ vào sự trợ giúp của người khác.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai Phan Văn Báu, mặc dù Đồng Nai đã triển khai dự án LIFSAP nhằm giúp người nông dân nâng cao giá trị vật nuôi, tuy nhiên đến nay chuỗi sản phẩm thịt an toàn chưa hoàn thiện từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến bán sản phẩm ở chợ. Ông Báu cũng cho rằng, do có những chậm trễ vì vậy rất có thể đến khi dự án dừng lại thì chuỗi sản phẩm thịt an toàn vẫn còn dang dở. Thực tế hiện nay, hầu hết người chăn nuôi nhỏ vẫn đang lúng túng trong vòng vây của thói quen, tập quán từ bấy lâu nay và của các chính sách chưa được triển khai đầy đủ, chưa kể dịch bệnh và việc các thương lái thao túng thị trường. Chính họ đang là người chịu thiệt thòi nhất trong chuỗi giá trị của chăn nuôi. Và trước mắt, những người chăn nuôi nhỏ trên cả nước vẫn đang hàng ngày phải tự mình xoay xở để mưu sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.