Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loay hoay chiến lược

Việt Nhân| 11/07/2010 07:34

(HNM) - Từ nhiều năm nay, nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, tuy nhiên, xuất khẩu nông sản luôn rơi vào tình trạng không ổn định, giá cả lên xuống thất thường, khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế yếu kém.

Trên thực tế, vấn đề của các ngành hàng nông sản tồn tại ở mọi khâu, từ nguyên liệu, chế biến, thị trường cho đến chính sách. Biểu hiện rõ nhất vẫn là những căn bệnh kinh niên: được mùa mất giá - được giá mất mùa, trồng tràn lan rồi chặt - hết chặt lại trồng... Nguyên do là hầu hết các ngành hàng đều thiếu một chiến lược phát triển tổng thể. Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hộ nông dân, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ... mỗi đơn vị làm theo cách của mình, không ai theo ai vì giữa họ không có tiếng nói chung.

Lấy cây chè làm ví dụ. Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 5 trên thế giới, với diện tích trồng chè khoảng 130 nghìn hécta. Thế nhưng trong thời gian gần đây đang xảy ra hiện tượng giá chè sụt giảm mạnh. Cách đây chừng 10 năm, giá chè xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 2.000 USD/tấn, nhưng hiện nay giá xuất khẩu bình quân chỉ khoảng 1.100 USD/tấn. Việt Nam có khoảng 675 doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế và khoảng 400.000 hộ gia đình sản xuất chè. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu có nơi chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của các nhà máy nên đã dẫn tới tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu. Sự liên kết giữa nhà máy và người trồng chè cũng thiếu nên không thể quản lý được chất lượng đầu vào của nguyên liệu. Các doanh nghiệp xuất khẩu thì làm ăn theo kiểu "mạnh ai nấy lo", thậm chí một số doanh nghiệp làm ăn gian dối, bán hàng kém chất lượng. Người trồng chè vì lợi nhuận đã sử dụng thật nhiều thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để tăng năng suất dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, kéo giá bán xuống thấp...

Mới đây, Mỹ đã làm nên một kỳ tích. Những tháng đầu năm 2010, các doanh nghiệp Mỹ đã xuất khẩu hàng nông sản, nguyên liệu sản xuất cho nông nghiệp sang Việt Nam đạt 417 triệu USD, tăng 97,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi hàng nông sản Việt Nam xuất sang Mỹ chỉ đạt 339,3 triệu USD, tăng 0,58%. Đây là thành quả sau nhiều năm đầu tư chăm sóc cho ngành nông nghiệp của Mỹ. Còn ta thì thiếu một chiến lược tổng thể nên dù luôn đứng thứ nhất, thứ nhì thế giới về sản lượng một số mặt hàng nông sản nhưng ngành hàng nào cũng vẫn bấp bênh và đất nước ta vẫn cứ nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.