Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loay hoay cấm - quản!

Dục Tú| 03/03/2011 07:02

(HNM) - Đã vào đầu tháng 3, thời điểm thực hiện phương án thí điểm phối hợp kiểm tra, ghi hình học sinh (HS) phổ thông đi mô tô, xe máy giữa Sở GD-ĐT và Công an TP Hà Nội.


Đây là giải pháp mới, sau những nỗ lực ngăn chặn tình trạng HS chưa đủ tuổi đi mô tô, xe máy đến trường ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Việc thực hiện sẽ thí điểm tại 5 trường THPT: Việt-Đức, Kim Liên, Quang Trung, Trần Phú, Phan Đình Phùng trong suốt năm học, các trường hợp vi phạm được thông báo về trường.

Việc HS trung học đi mô tô, xe máy đến trường, đặc biệt là tại các thành phố lớn gây bức xúc từ lâu. Như ở Hà Nội, chuyện 3-4 HS chung một xe, không đội mũ bảo hiểm vi vu, vượt đèn đỏ, lạng lách… đã không còn lạ. Chỉ trong tháng 9-2010, khi mùa khai giảng năm học mới bắt đầu, Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội đã xử lý hơn 600 trường hợp HS chưa đủ tuổi đã sử dụng mô tô, xe máy lưu thông trên đường và có hơn 500 trong số đó bị xử lý trong 10 ngày đầu tháng. Hay như trong nửa cuối tháng 2-2011, ngành chức năng đã kiểm tra, xử lý gần 34.000 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, trong đó có không ít HS trung học. Đã có gần 2.500 thông báo được gửi về nhà trường, nơi cư trú của đối tượng vi phạm, nhưng chỉ mới có 18 trường hợp được phúc đáp. Những con số thống kê quả là đáng ngại. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra. Tuyên truyền trong toàn ngành cũng có; đề nghị phụ huynh ký cam kết không cho con sử dụng xe máy cũng có… lại thêm việc cử CSGT mặc thường phục để dễ phát hiện, xử lý HS vi phạm, rồi nhà trường phối hợp với CSKV kiểm tra các bãi giữ xe… Bấy nhiêu giải pháp được thực hiện nhưng không cho hiệu quả mong muốn. Bây giờ, thêm giải pháp thí điểm ghi hình HS vi phạm, liệu có tạo hiệu quả tích cực cho vấn đề? Theo nhà quản lý giáo dục và cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện pháp luật liên quan thì đây là giải pháp tốt, có thể được nhân rộng ra nhiều trường ở Hà Nội.

Thế nhưng, có lẽ sự thể không đơn giản như vậy. Việc bí mật ghi hình học sinh vi phạm chỉ là giải pháp cụ thể chứ không mang tính tổng thể cho một vấn đề phức tạp, chỉ là sự thay đổi phương pháp, như so với cách sử dụng lực lượng CSGT mặc thường phục trước đây. Từ trước tới nay, HS đã có nhiều cách để vượt khỏi sự giám sát, đơn giản là mang mô tô, xe máy gửi đâu đó rồi ung dung đến trường, hết giờ lại vi vu. Việc kiểm tra các bãi gửi xe có thể được thực hiện, nhưng điều gì xảy ra nếu HS "chịu khó" gửi xe xa hơn một chút, ở một phường khác chẳng hạn? Chỉ phạt tiền đối với trường hợp vượt đèn đỏ, chở số người quá quy định, không đội MBH liệu có đủ mức răn đe? Hình thức xử lý của nhà trường có đủ để HS vi phạm phải bỏ thói quen? Liệu CSGT và các trường học có đủ người để làm việc này quanh năm, đặc biệt là khi giải pháp được nhân rộng tới tất cả trường học?

Có lẽ cần coi giải pháp mới là sự bổ sung trong tổng thể, còn để giải quyết triệt để thì cần có biện pháp cứng rắn hơn trong xử lý vi phạm giao thông nói chung chứ không cứ HS, góp phần tạo nền tảng văn hóa ứng xử phù hợp. Với HS, về cơ bản thì cùng lúc phải thực hiện hai việc, vừa cấm vừa quản. Cấm, thì đã rõ, còn quản thì phụ thuộc vào chất lượng phối hợp giữa nhà trường và gia đình, chứ chỉ kêu gọi chung chung hay ký cam kết mà không có cách ràng buộc là không đủ. Có thể cùng lúc tạo sức ép thay đổi hành vi lên cả HS vi phạm và người giám hộ được không - thông qua hình thức xử phạt, cắt giảm thi đua? Mức phạt chưa đủ sức răn đe, cần có mức mới phù hợp và áp dụng triệt để hình phạt giữ xe dài ngày đối với HS vi phạm…

Cấm thì dễ, theo luật mà xử. Quản, để tạo thành nếp sống theo luật pháp, tôn trọng nhà trường, tôn trọng cộng đồng xã hội và tôn trọng bản thân trong mỗi HS, đấy mới là nền tảng giáo dục, mới là việc khó nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay cấm - quản!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.