(HNM) - Không nằm trong những xã khởi đầu của huyện được chọn xây dựng nông thôn mới (NTM) song xã Chuyên Mỹ, Phú Xuyên được đánh giá là xã đi tiên phong và sẽ về
Giàu nhờ làm nghề
Dạy nghề khảm trai ở xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Thái Hiền
Chuyên Mỹ với nghề khảm trai, ốc có từ thời Lý với bề dày gần 1000 năm được coi là cái nôi của tinh hoa văn hóa làng nghề Việt Nam. Sản phẩm của Chuyên Mỹ trước kia thường là hoành phi, câu đối, tủ chè,… là những sản phẩm quý tộc phục vụ trong triều đình hoặc trong gia đình giàu có. Nay, sản phẩm làng nghề phát triển khá phong phú, đa dạng với nhiều mặt hàng như bàn ghế, tủ chè, tủ thờ, sập gụ, hoành phi, câu đối, tranh khảm nổi, khảm chìm, quà lưu niệm… Nghệ nhân Trần Bá Dinh, người có nửa thế kỷ gắn bó với nghề khảm trai trong xã cho rằng, nghề khảm trai không đơn giản chỉ là nghề đục đẽo, lắp ráp theo khuôn mẫu nhất định. Để có được một sản phẩm khảm trai đẹp, có ý nghĩa, có hồn là cả một nghệ thuật với nhiều công đoạn sáng tạo. Theo anh Dinh, đồ khảm trai của Chuyên Mỹ được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm tranh khảm nổi, khảm chìm, đồ lưu niệm do gia đình anh sản xuất đã có mặt ở hầu hết các địa danh du lịch nổi tiếng trong nước như Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang… Nhờ phát triển làng nghề, hiện gia đình anh đã có một cơ ngơi đàng hoàng, kinh tế khá giả.
Ông Nguyễn Đức Lư, Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có gần 2.250 hộ thì có tới 14 doanh nghiệp và trên 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyên về hàng thủ công mỹ nghệ khảm trai, khảm ốc. Trong số này, có 820 hộ thu nhập mỗi năm từ 100-200 triệu đồng. Thu nhập bình quân của người dân Chuyên Mỹ đang ở mức khoảng 15 triệu đồng/người/năm.
Sản phẩm dừng ở tên… làng
Hiện nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước đối với các sản phẩm của Chuyên Mỹ là rất lớn. Ông Nguyễn Đức Lư cho biết, không chỉ đón khách từ những địa phương, thành phố lớn trong nước, gần đây khách hàng từ các nước tìm đến mua và đặt hàng ngày càng nhiều. Hầu hết, các hộ sản xuất lớn với tư cách là doanh nghiệp chưa thực sự mạnh để trực tiếp ký kết hợp đồng với đối tác lớn, đặc biệt là các đối tác nước ngoài nên vẫn phải qua trung gian. Điều đáng chú ý là sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu khiến giá xuất khẩu chưa cao. Anh Vũ Duy Thế, một trong những chủ doanh nghiệp lớn trong xã cho biết, sản phẩm làng nghề nơi đây vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, sản xuất theo kiểu mạnh ai người ấy làm. Các hộ tự tạo thương hiệu cho mình, nhưng thương hiệu đó chỉ biết đến với tên làng, chưa đủ mạnh để đứng trên thị trường quốc tế. Anh trăn trở, nhiều thương nhân Trung Quốc đến nhập hàng tại các xưởng, về xuất khẩu sang các nước khác với giá gấp 4-5 lần so với giá mua tại làng nghề.
Anh Lâm Hữu Đào, cán bộ xã Chuyên Mỹ nhận định, nghề khảm trai, ốc truyền thống thực sự mang lại thu nhập cao cho người dân trong xã nhưng sản xuất làng nghề vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ theo quy mô gia đình là chủ yếu, mẫu hàng còn đơn điệu… Mặt khác, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường nên sản xuất làng nghề luôn bị động trong sản xuất, kinh doanh và bị ép giá. Nhiều chủ doanh nghiệp đã "ngớ người" khi biết các sản phẩm của mình bán cho thương nhân thì rẻ, nhưng khi có mặt tại các hội chợ, trung tâm thương mại giá lại cao hơn gấp nhiều lần. Nếu không trải qua khâu trung gian, sản phẩm được khẳng định dưới một thương hiệu chắc chắn người làm nghề nơi đây sẽ ngày một phát triển và giàu có hơn nữa.
Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Trương Thế Cầu khẳng định, để phát triển làng nghề truyền thống của Phú Xuyên, tạo động lực trong xây dựng NTM cần có cơ chế, chính sách phù hợp ở tầm vĩ mô để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc các làng nghề tháo gỡ những khó khăn về vốn, mặt bằng, xã hội hóa đầu tư và thu hút được nguồn lao động chất lượng cao. Để xây dựng thương hiệu cho làng nghề, các doanh nghiệp, chính quyền cần chung tay quảng bá sản phẩm, bản thân người thợ cũng phải tìm tòi, đưa ra thị trường những sản phẩm có tính sáng tạo, nghệ thuật cao, thay thế những sản phẩm hàng chợ như hiện nay. Có như vậy làng nghề Chuyên Mỹ mới xây dựng được thương hiệu bền vững, phát triển xa hơn chứ không dừng lại dưới tên một làng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.