(HNMO) -Trong thời đại bùng nổ thông tin, chỉ cần một chiếc điện thoại di động có kết nối internet, chúng ta có thể cập nhật thông tin về các lĩnh vực trong cuộc sống từ trang mạng, diễn đàn ở mọi lúc mọi nơi. Không thể phủ nhận, có nhiều thông tin rất hữu ích nhưng cũng có không ít thông tin khiến người đọc hoang mang bởi internet dường như trở thành “thầy lang băm”.
Đủ loại thông tin
Ung thư là một bệnh nguy hiểm, không chừa một ai. Theo thống kê của ngành ung thư và Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 người mới mắc bệnh ung thư và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Bởi vậy, chỉ cần lướt qua mạng, trang mạng xã hội có thể bắt gặp nhiều thông tin về chữa ung thư, bài thuốc chữa ung thư.
Chẳng hạn như thông tin lá chùm ngây có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Nội dung phản ánh, chiết xuất từ lá chùm ngây có thể tiêu diệt 93% tế bào ung thư phổi ở người trong vòng 48 giờ, đồng thời có công dụng ngăn ngừa ung thư đi căn. Sau 7 ngày từ khi thực hiện thí nghiệm thì các tế bào ung thư đã bị trừ khử hoàn toàn. Cây chùm ngây có chứa benzyl isothiocyanate, một chất chống ung thư mạnh mẽ, giúp đem lại tác dụng tương tự như hóa trị mà lại không gây tác dụng phụ.
(ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Rồi bài về tận diệt mọi tế bào ung thư chỉ với 4 muỗng hỗn hợp từ tỏi, chanh, mật ong, quả óc chó và hạt mầm lúa mì; hay uống liên tục trong hơn 40 ngày ly nước ép từ củ dền, cà rốt, cần tây, khoai tây, củ cải trắng sẽ tiêu diệt tế bào ung thư. Ngoài ra, nhiều bài thuốc chữa ung thư cũng được chia sẻ. Không chỉ ung thư, nhiều bài thuốc về chữa bệnh viêm xoang, chữa gút cũng được lan truyền trên mạng, rồi cả thông tin cảnh báo như dùng khăn rửa mặt không tốt vì khăn chứa nhiều vi khuẩn…
Mỗi khi tiếp cận những thông tin như thế, người đọc dường như đi vào mê cung thông tin, mà không rõ thông tin đó có đúng hay không, nên có phần cảm thấy hoang mang.
Từ xưa đến nay, rửa mặt bằng khăn đã là thói quen của nhiều người, nay lại có thông tin rửa mặt bằng khăn không tốt vì khăn chưa nhiều vi khuẩn, cọ xát mạnh làm xệ da…Hay như về chùm ngây, trước đây cũng trên mạng, có thông tin lá chùm ngây được cho là loại rau thần dược với rất nhiều công dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, gần đây, trả lời trên báo chí, PGS.TS Phùng Hòa Bình, Trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền, Trường Đại học Dược Hà Nội khẳng định chùm ngây mang ý nghĩa cây dinh dưỡng nhiều hơn là một cây thuốc chữa bệnh. Các hàm lượng dinh dưỡng của chùm ngây (như protein, muối khoáng, vitamin, axid amin…) có khá cao nhưng giá trị dinh dưỡng của nó cũng không có gì đặc biệt so với các loại cây khác. Nay lại có thông tin lá chùm ngây có thể tiêu diệt tế bào ung thư.
Có nên tin?
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, các bài thuốc hướng dẫn chữa bệnh về ung thư được đăng tải trên mạng phần lớn là theo phương pháp đông y, có thể hiệu quả liên quan đến nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, còn bệnh này theo tây y phải liên quan đến thuốc giảm sinh tế bào ung thư, giảm nguy cơ di căn tế bào ung thư, liệu pháp xạ trị diệt tế bào ung thư và biện pháp ngoại khoa cắt các khối u.
Với các bài thuốc về chữa khỏi viêm xoang, gút có thể là những bài thuốc đông y hiệu quả, nhưng cần có thêm bằng chứng nghiên cứu trên hàng loạt các ca bệnh hoặc phải xác định hoạt chất chính trong các thuốc đông y này.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, rửa mặt bằng khăn đúng là có nguy cơ nhiễm khuẩn tăng lên, liên quan đến khăn không sạch, để phơi trong nhà, dùng chung khăn, chất liệu khăn cứng làm tổn thương bề mặt da. Nhưng thông tin nên được đưa theo hướng dẫn cách sử dụng khăn rửa mặt đúng cách thì tốt hơn.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Minh Điển nghi ngờ, có những thông tin được đăng tải thuộc về kinh nghiệm dân gian, nhưng có thông tin liên quan đến quảng cáo. Vì vậy “người đọc cần chọn lọc các thông tin. Khi thấy dấu hiệu có bệnh, việc làm đầu tiên là đi khám để bác sỹ kê đơn hoặc tái khám nếu bệnh không đỡ. Vẫn biết khi có bệnh thì “vái tứ phương” là tâm lý chung của người bệnh, nhưng cũng không phải vì thế mà mỗi khi đọc được thông tin trên mạng là làm theo, vì sức khỏe của mình không phải là để thử nghiệm”, ông nói.
Còn GS.TS Nguyễn Bá Đức-chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam về ung thư-đánh giá, xã hội hiện nay đa chiều, nhiều trang mạng, và cả trang báo đưa tin vô tội vạ. “Vì thế, nếu thông tin không phải là những báo chuyên ngành đăng tải thì không nên nghe theo, không nên tin. Khi nào là những công trình khoa học của các nhà khoa học ngành y trong nước và cả thế giới được công bố trên những báo chuyên ngành thì mới đủ độ tin cậy”, ông đưa ra lời khuyên.
Theo ông, người đọc cần tỉnh táo, nên tin vào những thông tin ngành y chính thống công bố, những thông tin đã được kiểm định qua thực tiễn khoa học, bởi nhiều khi thông tin trong lĩnh vực này được đăng tải nhằm mục đích câu khách, mang tính trục lợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.