Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loạn thị trường camera an ninh

Theo An ninh Thế giới| 13/01/2016 10:36

Những ngày cuối năm này, nhiều người dân tại TP.HCM chủ động lắp đặt thiết bị camera an ninh nhằm phòng tránh mất của vì “tháng củ mật” và sau đó là phục vụ cho những chuyến đi xa nhà trong dịp Tết Nguyên đán.

Việc lắp đặt camera an ninh rất tốn thời gian.


Giá nào cũng có

Tại một cửa hàng chuyên bán thiết bị camera giám sát trên đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), khi chúng tôi ngỏ ý muốn trang bị tại nhà thì được một nhân viên nhiệt tình liệt kê bảng giá. Một camera có giá 1,2 triệu đồng. Nếu trang bị ba "mắt" ở ba tầng lầu thì giá là 3,6 triệu đồng. Muốn xem lại thì phải trang bị thêm đầu thu 3 triệu đồng, gồm máy và ổ cứng để thu nhận hình ảnh trong 15 ngày.

Sau 15 ngày, đầu thu sẽ tự xóa hình ảnh và lưu 15 ngày tiếp theo. Muốn xem được camera từ xa thì phải "đi dây" cáp, nối vào nguồn điện 24/24 giờ, hình ảnh thu được truyền qua đầu thu và gửi đến điện thoại di động. Nếu bắt ba "mắt" camera thì tổng chi phí cả tiền công là 8 triệu đồng.

Người bán khuyên khách hàng nên bắt luôn bốn "mắt" vì chỉ tốn thêm 1,2 triệu đồng nữa mà thôi. Thời gian để bắt ba hoặc bốn "mắt" camera quan sát là 4 giờ đồng hồ vì phải "đi dây", khoan tường, cài ứng dụng trên điện thoại di động.

Tú - tên của anh chủ cửa hàng liến thoắng: "Không nơi nào rẻ hơn của tôi đâu. Nếu có giá rẻ hơn là hàng dởm, xài vài tháng là bị chạm liền. Hàng tôi đạt loại trung bình khá, bảo hành 12 tháng. Tôi đã lắp đặt ở nhiều khu biệt thự, tòa nhà cao ốc và chất lượng thì miễn chê!".

Theo điều tra của chúng tôi, ở mức giá ba hoặc bốn "mắt" camera có giá dưới 10 triệu đồng chủ yếu là hàng Trung Quốc. Cũng với những thiết bị đó nhưng chất lượng hơn thì giá thành lên tới 20 - 30 triệu đồng.

Tấp xe vào một cửa hàng khác trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), sau khi nghe khách hàng nói nhu cầu, anh Thành - chủ cửa hàng T. dịu giọng: "Nếu anh trang bị 3 camera ở trên quận Bình Thạnh mất 8 triệu đồng (cả tiền công) thì tôi chỉ lấy 6 triệu đồng". Như vậy, chỉ cách nhau vài kilômét mà giá thành đã chêch lệnh 2 triệu đồng?

Nguyên nhân của việc này là do camera rất khác biệt về chủng loại và tất nhiên là khác nhau về giá cả. Loại camera đắt tiền thì có hình ảnh sắc nét hơn nhiều so với loại rẻ tiền. Người bán thì cam kết cài đặt miễn phí trên điện thoại, tivi, máy tính nhưng điện thoại đời mới mới tải được phần mềm, còn điện thoại điều hành cũ (iso 4.1, 5.1) như các dòng: Iphone 4, 4S, 5… thường là không xem được. Muốn xem được camera từ xa chỉ còn cách tốn tiền… mua thêm máy điện thoại mới vì việc tải ứng dụng xem hình rất "nặng".

Ngoài việc mua bán nhộn nhịp tại các cửa hàng trên các con đường thì trên các trang mạng xã hội, hàng loạt đại lý "ảo" cũng ra đời bằng cách bán camera an ninh với giá mỗi "mắt" chỉ từ 800 nghìn đến 2,2 triệu đồng. Trên mạng, người bán còn hướng dẫn cách lắp đặt và sử dụng chưa đến… 2 phút, vì không cần đi dây. Người mua thì hào hứng đặt hàng qua mạng, được giao tận nhà nhưng khi tự ý lắp đặt thì quả là không dễ vì hàng điện tử rất dễ bị trục trặc.

Một số địa chỉ bán hàng trên mạng còn câu khách bằng chiêu tung hứng: "Lắp mỗi bộ camera chỉ có 2 triệu đồng, có tia hồng ngoại nhìn xuyên bóng đêm" nhưng khi khách có nhu cầu thì chi phí phát sinh lên tới 7,8 triệu đồng vì nhà cao tầng thì không thể lắp một cái camera mà phải lắp 3-4 cái. Đa số các đại lý này đều ở xa nên khi camera bị trục trặc cũng khó mà "bắt đền" hay nhờ sửa chữa. Vì vậy, rủi ro luôn thuộc về người mua.

Để đảm bảo tốt cho việc chống trộm, các chủ cửa hàng còn khuyến cáo khách hàng nên trang bị cả thiết bị báo chống trộm vì camera chỉ biết ghi hình. Thiết bị báo chống trộm này là một hộp điện tử, được dán phía trên cửa ra vào, khi có kẻ lạ đột nhập thì thiết bị này sẽ báo đến tận điện thoại di động. Giá mỗi hộp điện tử này là 800 nghìn đồng, sử dụng điều khiển từ xa.

Để hấp dẫn khách hàng, người bán thường khoe là cùng với camera ghi nhận hình ảnh kẻ trộm, thiết bị báo động sẽ kêu ầm ĩ cả… 300m. Tuy nhiên, thực tế thì khác hoàn toàn. Thiết bị này chỉ rung lên, muốn báo tới điện thoại di động thì người mua phải trang bị điện thoại bàn có dây dẫn cố định. Từ đường dây này mới báo tới điện thoại.

Nói chung đã mua qua mạng thì người mua luôn phải hỏi cho thật kỹ bởi gần như hiếm có thiết bị nào được tối ưu như quảng cáo. Trong khi đó thì hiện nay nhiều gia đình chủ yếu xài di động mà không lắp đặt máy bàn như trước đây. Đến khi lắp camera và thiết bị chống trộm, khổ chủ đành ngậm ngùi đi mua máy điện thoại mới cho tương thích với phần mềm và phải mất công đi lắp đặt điện thoại bàn. Nghĩa là có khi phải thay đổi toàn bộ cả một thói quen và cả loạt trang thiết bị, vừa tốn kém vừa mất thời giờ.

Những câu chuyện bi hài

Phải nói rằng lắp camera theo dõi làm chức năng an ninh trong hộ gia đình đem lại những ích lợi nhất định. Không ít vụ việc đã được đưa ra ánh sáng nhờ vào hình ảnh từ camera. Chưa kể việc lắp camera cũng tác động nhất định tới tâm lý kẻ gian, khiến cho chúng không dám manh động, gia chủ vì thế mà cũng có được cảm giác an tâm hơn.

Tuy nhiên, trong khi người muốn lắp đặt thiết bị camera an ninh đang hí hửng vì xem được căn nhà mình có ai đột nhập hay không thì một số người đã trang bị trước đây vì một phút bất cẩn đã phải gặp chuyện dở khóc dở cười.

Lắp camera ở cổng nhà.


Anh Thái Nguyên Toàn (45 tuổi, ngụ quận 3) cho biết, vì muốn kiểm tra con cái học tập tự giác ở nhà mà anh bỏ tiền không tiếc để lắp đặt 3 cái camera trong nhà. Ở công ty, anh thường xuyên mở máy tính bàn để xem vợ và các con ở nhà. Trong một lần vô tình mở máy tính bàn mà có việc gấp để ra ngoài, anh quên tắt máy tính thì cô vợ trẻ của anh ở nhà khi không có con đã tắm rửa hớ hênh, ăn mặc hở hang mà quên mất rằng "mắt thần" đang treo ở góc phòng! Vậy là đồng nghiệp của anh Toàn được một phen "bổ mắt"… bất đắc dĩ! Sáng hôm sau vào công ty, ai cũng nhìn anh Toàn với ánh mắt khác lạ. Có người còn bắt tay… "chúc mừng" anh vì cô vợ trẻ khêu gợi quá.

Trước đó, cả công ty anh Toàn còn biết chuyện gần nhà anh có một người phụ nữ chuyên tập thể dục, nhưng lại chỉ toàn "chọn" đứng trước camera đặt ở cổng nhà anh để mà làm động tác, uốn éo. Có lần, nhìn qua camera, chính cô vợ trẻ của anh Toàn cho rằng, người hàng xóm lắm chuyện này đang "bỡn cợt" với chồng mình nên nhảy xồ ra mắng té tát bà hàng xóm. Cũng may là chưa có xung đột gì lớn xảy ra…

Một trường hợp khác là của chị Nguyễn Thị Dung (35 tuổi, ngụ quận Gò Vấp). Sợ bị trộm "viếng thăm" nên chị lắp đặt cho căn nhà bốn tầng tới bốn "mắt" camera an ninh. Vì có con nhỏ, sợ ảnh hưởng điện từ nên một đêm cuối tháng 11, chị tắt wifi, rút ổ cắm của camera khỏi ổ điện. Thật không ngờ, chỉ một đêm bất cẩn mà kẻ trộm đột nhập nhà của chị Dung. Kết quả là 2 chiếc xe máy "một đi không trở lại", hình ảnh đối tượng không được lưu lại trên đầu thu. Cũng bởi hàng ngày, ỷ vào hệ thống camera nên mấy mẹ con thường lơ là cổng, cửa. Vẫn thói quen đấy nên đúng hôm cắt điện camera thì chẳng khác nào "dọn cỗ" cho trộm nó… xơi!

Nhiều trường hợp khác, kẻ gian đã nghiên cứu nhà của nạn nhân rất kỹ nên đã ra tay cắt luôn dây dẫn của camera. Không thu được hình ảnh kẻ trộm thì camera chẳng khác nào vật trang trí.

Camera bán tràn lan trên mạng.


Theo hướng dẫn của anh Nguyễn Văn Vũ (chủ cửa hàng T. Đ, đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận), người sử dụng thiết bị camera nên lắp "mắt thần" bên trong cổng để tránh bị kẻ gian cắt dây, phải luôn cắm dây camera suốt cả ngày vào ổ điện, bật wifi liên tục thì mới không mất hình ảnh của kẻ gian. Việc đột ngột rút dây điện của camera hoặc đầu thu sẽ làm máy mau bị hư vì đây toàn là hàng điện tử.

Ngoài vô vàn những dạng "sự cố" có thể xảy ra như một số trường hợp nêu trên, thì còn một điều vô cùng quan trọng nữa với các gia chủ lắp camera, đó là cần phải tránh tâm lý ỷ lại, nghĩ rằng nhà cứ lắp camera là đã an toàn? Điều cần nhất là chính bản thân và gia đình phải luôn có ý thức phòng ngừa và biện pháp giữ gìn tài sản hợp lý. Camera an ninh cũng chỉ nên coi là một trong số những biện pháp đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Loạn thị trường camera an ninh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.