(HNMO) - Các nhà khoa học cho biết, họ đã phát hiện ra bằng chứng đầu tiên cho thấy, loài bò sát biển khổng lồ - sống cùng thời với loài khủng long - đã đẻ con, chứ không phải đẻ trứng.
Họ nói rằng một hóa thạch 78 triệu năm tuổi của một con xà đầu long đang mang thai cho thấy, chúng đã đẻ ra duy nhất một đứa con lớn.
Viết trên tờ Science, các nhà khoa học cho biết, điều này cũng gợi mở về mức độ chăm sóc của cha mẹ chúng.
Hóa thạch này là hóa thạch đầu tiên của một con xà đầu long mang thai được tìm thấy và hiện đang nằm ở Viện Lịch sử tự nhiên hạt Los Angeles của Mỹ.
Sau khi được khai quật từ một trang trại ở Kansas, Mỹ, bộ xương hóa thạch dài 5m Polycotylus latippinus đã nằm trong tầng hầm của Bảo tàng hạt Los Angerles suốt 2 thập niên để chờ được đục khỏi lớp vỏ đá bao phủ nó.
Hai năm trước khi các nhà nghiên cứu bắt đầu ghép các mảnh xương lại với nhau, họ nhanh chóng nhận ra rằng, họ đang đối mặt với 2 con vật riêng biệt, một con xà đầu long trưởng thành và một con chưa trưởng thành nhỏ hơn.
Các tác giả của nghiên cứu báo cáo rằng, con chưa trưởng thành dường như không phải bị con bò sát lớn hơn ăn thịt bởi vì bộ xương nhỏ bé của nó không cho thấy có bằng chứng về dấu vết bị cắn, và bộ xương mềm, chưa trưởng thành của nó gợi mở rằng, con vật mới chỉ phát triển được 2/3 chặng đường phát triển của nó.
Trong hơn 200 năm, các nhà cổ sinh vật học đã suy đoán về cách làm thế nào những con vật khổng lồ thuộc Kỷ phấn trắng này sinh sản.
Nhiều người tin rằng, con xà đầu long quá cồng kềnh để có thể leo lên bãi biển và đẻ trứng, nên chắc hẳn chúng phải đẻ con.
"Việc thiếu các bằng chứng hóa thạch của một con xà đầu long mang thai đã gây nản lòng", tác giả chính của nghiên cứu, Frank O'Keefe thuộc Đại học Marshall ở Huntington, Mỹ nói.
Nhưng ông nói thêm: "Điều thực sự đáng ngạc nhiên về hóa thạch này là, con xà đầu long sinh sản khác với các loài bò sát biển khác... chúng đẻ ra một đứa con lớn thay vì rất nhiều con nhỏ".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.