(HNM) - Hiện nay, nhiều công việc cấp thiết của thành phố đang bị đình trệ do một số sở, ban, ngành chưa làm tròn trách nhiệm bản thân và thay vì phối hợp công tác, họ thường né tránh, đùn đẩy. Đây đã trở thành tình trạng đáng lo ngại giữa lúc thành phố đang tập trung đổi mới điều hành, quản lý nhằm nâng cao hiệu năng công việc.
Thiếu sự gắn kết, phối hợp giữa các ngành, nhiều công trình chỉnh trang đô thị chậm tiến độ. |
Không phải vô cớ bức xúc
Hà Nội đang phấn đấu có diện mạo ấn tượng hơn trước Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, công sức của các sở, ban, ngành là không nhỏ. Thế nhưng, đằng sau kết quả khả quan mà mỗi người Hà Nội đều thấy vẫn còn không ít vấn đề. Riêng việc chỉnh trang đô thị, lẽ ra nhiều nơi đã có được diện mạo rạng rỡ từ lâu chứ không phải chờ đến sát ngày Đại lễ. Việc chỉnh trang đô thị đã chậm khởi động so với dự kiến và thời điểm này, thành phố đốc thúc tận nơi, "sát sạt" từng việc mà nhiều khi vẫn bị đình trệ. Thậm chí nhiều việc, lãnh đạo thành phố đã phải chỉ đạo xử lý từng chi tiết nhỏ, việc mà lẽ ra các sở, ngành - những người trực tiếp phụ trách, gắn bó hằng ngày với công việc (vai trò chủ đầu tư) phải làm. Ví dụ như chỉnh trang vỉa hè, lòng đường, thời gian gấp rút phải làm tới đâu gọn tới đó, nhưng nhiều tuyến đường dù đã hoàn thành hạ ngầm, lát xong vỉa hè, mà đường vẫn bộn bề gạch vỡ, xi măng… nơi khác thì hố ga, tủ điện chưa lắp, trông rất phản cảm. Khi lãnh đạo thành phố hỏi đến, đại diện một đơn vị trả lời "việc đó thuộc ngành khác". Nếu có sẵn tinh thần trách nhiệm vì việc chung, chắc chắn đơn vị này sẽ chủ động liên lạc với "ngành khác" đó để hoàn thiện tuyến đường, không phải đợi ai nhắc nhở.
Thời gian gần đây, việc chỉnh trang đô thị đã gây không ít bức xúc cho người dân. Nguyên nhân phần nhiều do việc đôn đốc, chỉ đạo công trường thiếu trách nhiệm của một số sở, ban, ngành. Ví dụ điển hình cho tình trạng này là chỉ trong một thời gian ngắn đào đường, chỉnh trang đô thị đã gây ra khoảng 200 điểm vỡ ống nước sinh hoạt. Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đã phải lên tiếng bày tỏ bức xúc về tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp công tác giữa các cơ quan liên quan. Theo Phó Chủ tịch, có những đoạn vỉa hè mất 4 tháng mà không lát xong. Dự án đường Văn Cao - Hồ Tây chậm trễ không phải do GPMB như giải thích của các ngành, mà nguyên nhân chính là nhà thầu năng lực yếu kém. Sau khi nhà thầu đầu tiên không làm tốt, thành phố yêu cầu thay nhà thầu, ngành lại tham mưu lựa chọn nhà thầu thứ hai cũng yếu kém về năng lực. Trong thực thi nhiệm vụ thi công trên tuyến đường này, có lúc ngành điện, ngành nước "đổ lỗi cho nhau". Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh bức xúc: "Muốn cải cách phải cải cách ngay từ các sở, ngành. Cơ chế liên thông của chúng ta có vấn đề. Không giải quyết được, chúng ta sẽ khó bứt phá".
Kết luận phiên họp thường kỳ tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cũng nhấn mạnh về tình trạng né tránh, đùn đẩy trong phối hợp công tác giữa các ngành. Đây là điều phải lưu ý khắc phục ngay.
Cách nào tăng trách nhiệm?
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu phải tổ chức ngay một đợt thanh tra công vụ một số nơi. Đợt thanh tra này sẽ nhằm thẳng vào vấn đề trách nhiệm hành chính của các sở, ban, ngành - là nguyên nhân gây ra một số yếu kém trong thời gian qua. Có thể thấy, lãnh đạo TP Hà Nội đã nhận thức hết sức nghiêm túc vấn đề này. Chính vì vậy, thật khó có thể chấp nhận, ngay giữa Thủ đô với bao nhiêu công việc trọng đại đang phải phấn đấu hoàn thành, lại còn có những cá nhân, tập thể thiếu trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc như vậy.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, việc thiếu cơ chế liên thông, phối hợp rõ ràng là một trong những kẽ hở để các cơ quan đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Vì khi cần quy trách nhiệm cho ai, thành phố cũng không thể dễ dàng định rõ. Đây là lý do trong phiên họp thường kỳ vừa qua, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đều thống nhất yêu cầu Sở KHĐT, cơ quan soạn thảo báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm phải ghi rõ nhiệm vụ cụ thể của các sở, ban, ngành. Có như vậy mới ràng buộc cụ thể trách nhiệm các cơ quan này. Đây là bài học quý trong chỉ đạo, điều hành mà Hà Nội đã rút ra.
Mặt khác, vì thiếu ràng buộc trách nhiệm rõ ràng, nên việc xử lý trách nhiệm thời gian qua còn thiếu tính răn đe. Người vi phạm để công việc đình trệ chỉ bị nhắc nhở thì khó có thể thay đổi thái độ trách nhiệm trong công việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.