Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loại công chức yếu kém: Tại sao không?

Thế Phương| 10/02/2014 05:49

(HNM) - Dự thảo tờ trình Chính phủ về Nghị định chính sách tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đã đưa ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 tinh giản khoảng 100.000 biên chế.



Đây là thông tin rất đáng lưu ý bởi tinh giản biên chế là vấn đề đã được đặt ra từ nhiều năm trước, được thực hiện nhiều lần với quy mô khác nhau, nhưng có thể nói là chưa mang lại hiệu quả trong thực tế. Một nghịch lý đang tồn tại là dường như sau mỗi lần tinh giản như vậy, bộ máy công chức lại có xu hướng phình to. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng dù thế nào đi nữa thì cũng phải thừa nhận rằng: Bộ máy công chức hiện nay hết sức cồng kềnh. Đây cũng là vấn đề bức xúc đã nhiều lần được đặt lên bàn nghị sự ở nhiều cấp, nhưng vẫn chưa có giải pháp thật sự hiệu quả.

Như vậy, tinh giản biên chế để xây dựng một đội ngũ công chức tinh gọn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước là hết sức cần thiết và vấn đề cấp bách hiện nay. Trước đây Nhà nước đã chi hàng nghìn tỷ đồng để tinh giản biên chế và cũng đã có không ít chuyện, có người không thuộc đối tượng cũng đưa vào diện tinh giản, vẫn nhận tiền "một cục"… Do vậy, tinh giản biên chế thế nào là cả vấn đề. Hơn hết, tinh giản biên chế phải đặt mục tiêu rõ ràng: Tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Và nếu như vậy thì việc loại bỏ công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" cần được đặt ra như một điều kiện tiên quyết.

Để làm được điều đó, việc xác định rõ quy trình làm việc, vị trí việc làm, yêu cầu chuyên môn cho từng chức danh công việc có ý nghĩa cốt lõi, đặc biệt là việc xác định rõ những tiêu chí, tiêu chuẩn, trách nhiệm một cách cụ thể. Xác định đúng quy trình, đơn giản hóa quy trình công việc sẽ góp phần tinh gọn bộ máy. Việc xác định rõ chức trách nhiệm vụ của từng vị trí trong quy trình sẽ là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với đó, việc khoán biên chế và khoán lương cũng cần được đặt ra để giảm lượng ngân sách quá lớn dành cho đội ngũ công chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng "công bộc" nhân dân.

Một vấn đề nữa, việc loại bỏ công chức yếu kém ra khỏi bộ máy đã được đặt ra, nhưng đây là việc khó, nhiều năm qua vẫn loay hoay. Không chỉ chuyện "con ông cháu cha" các kiểu quan hệ, thành tích trong quá khứ… việc xác định, đánh giá một công chức yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ đã rất khó khăn trong thực tế, chưa nói đến việc xử lý thế nào. Do vậy, nếu không minh bạch điều kiện, tiêu chuẩn cho từng chức danh, không lấy hiệu quả công việc thực tế làm thước đo thì rất khó có thể loại bỏ những "công bộc" thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ. Từ đây có thể thấy trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tinh giản biên chế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Tóm lại, tinh giản biên chế là hết sức cần thiết nhưng tinh giản biên chế phải đồng nghĩa với việc nâng cao hiệu quả công việc của từng bộ phận trong một hệ thống và loại bỏ những công chức yếu kém, thiếu trách nhiệm ra khỏi bộ máy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Loại công chức yếu kém: Tại sao không?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.