(HNM) - Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, sáng 5-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, ngành thành phố phải rà soát, loại bỏ những cơ chế, chính sách, thủ tục phiền hà, làm cản trở các hoạt động bình thường của nhân dân và doanh nghiệp. Qua đó, khắc phục tình trạng trì trệ, những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu và kiên quyết xử lý cá nhân vi phạm.
Mặc dù, còn nhiều khó khăn nhưng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II-2022 của Hà Nội tăng 9,49% (cả nước tăng 7,72%), cao hơn 1,4 lần kịch bản (6,4-6,9%). Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GRDP tăng 7,79% (cả nước tăng 6,42%), gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (6,02%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 176,9 nghìn tỷ đồng, bằng 56,8% so với dự toán, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021… Kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; sự nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân. Vì thế, loại bỏ mọi rào cản hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp là động lực để duy trì đà tăng trưởng kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo.
Thực tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển là nhiệm vụ không có điểm dừng. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cơ chế, chính sách đầu tư, kinh doanh thông thoáng, ổn định, nhất quán là sự hỗ trợ thiết thực nhất, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 đã bào mòn "sức khỏe" của mỗi doanh nghiệp.
Để loại bỏ mọi rào cản hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp, trước hết cần sự chủ động vào cuộc của các cấp, ngành - những đơn vị trực tiếp thực thi cơ chế, chính sách và tham mưu ban hành cơ chế, chính sách, với tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tinh thần này phải cụ thể hóa bằng nỗ lực cải cách hành chính, rõ đầu mối, trách nhiệm, tiến độ giải quyết công việc; khắc phục những hạn chế trong phối hợp giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính… Cùng với đó là việc tăng cường đối thoại, trao đổi với doanh nghiệp, lắng nghe kiến nghị và giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp.
Bên cạnh việc thực thi của các cấp, ngành, cần tăng cường kiểm tra, giám sát. Cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới. Doanh nghiệp, người dân kiểm tra, giám sát cơ quan thực thi, qua đó chỉ rõ những bất cập, khiếm khuyết để khắc phục, sửa chữa. Chính các cấp, ngành phải vượt qua "rào cản" tư duy "xin - cho", đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp, người dân.
Từ nay đến cuối năm 2022, thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ đề của năm công tác là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Thành phố đã ban hành kế hoạch cải thiện Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số đo lường sự hài lòng, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - là những chỉ số đo lường sự phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cấp, ngành. Như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng là phải khắc phục tình trạng trì trệ trong hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; sự chồng chéo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; tăng cường tính công khai, minh bạch; khắc phục những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu và kiên quyết xử lý những người vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.