(HNM) - Mới đây, Bộ NN&PTNT quyết định loại bỏ hai hoạt chất 2.4D và Paraquat (trong thuốc diệt cỏ) ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật nhưng lại cho phép nhập khẩu, sản xuất tối đa trong một năm nữa và được buôn bán, sử dụng thêm tối đa trong hai năm
Bệnh nhân đang điều trị ngộ độc Paraquat tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. (ảnh chụp chiều 14-2). |
Tỷ lệ tử vong lên tới 90%
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, nhiều năm trở lại đây, các ca ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat tăng dần. Nếu như năm 2014, tại Trung tâm ghi nhận 300 trường hợp, 2015 là 350 trường hợp thì đến năm 2016 tăng lên 450 trường hợp. Trong đó, tỷ lệ tử vong lên tới 70-90%. Dù chưa có số liệu thống kê của cả nước nhưng có thể ước đoán số người tử vong do thuốc diệt cỏ này tại các cơ sở y tế không dưới 1.000 ca.
Hiện Trung tâm đang điều trị cho ba bệnh nhân ngộ độc Paraquat. Bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ luôn ở mức độ một. Khi chất độc vào cơ thể gây tổn thương cho tất cả cơ quan nội tạng, đầu tiên là hệ tiêu hóa, tiếp đến tổn thương phổi, gây xơ phổi tiến triển không dừng lại, nặng dần lên và nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Ngay trong chiều 14-2, một bệnh nhân nữ 71 tuổi (ở Đông Anh, Hà Nội) khó thở sau khi chất độc vào cơ thể, gia đình đã xin về. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc, nhưng có rất nhiều trường hợp ngộ độc do uống thuốc diệt cỏ tự tử chỉ bởi những lý do đơn giản như giận dỗi bố mẹ, buồn chán cuộc sống, nợ nần… Đại đa phần bệnh nhân cho biết hối tiếc và sẽ không làm thế nếu được quyết định lại. Duy nhất từng có một trường hợp trẻ tử vong do bị đầu độc (bằng việc đưa chất này vào nguồn nước uống).
Được biết, trong trường hợp ngộ độc cấp, bệnh nhân có thể tử vong sau ít ngày. Do vậy, phần lớn bệnh nhân qua ba tuần không khó thở thì được coi là tương đối ổn, còn sau ba tháng không có dấu hiệu khó thở mới hoàn toàn có cơ hội hồi phục. Đáng lưu ý, chỉ trong vòng hai tiếng sau khi nạp chất độc là có dấu hiệu của ngộ độc, đặc biệt chất độc này hút khá nhanh vào phổi, gây tổn thương phổi dẫn đến khó thở, đòi hỏi phải hít nhiều ôxy. Tuy nhiên, khi ôxy vào lại kết hợp với chất độc này làm tăng tình trạng ngộ độc.
Cấm triệt để hoạt chất Paraquat
Từ nhiều năm nay, các bác sĩ chuyên khoa chống độc đã đề nghị ngưng cho sử dụng Paraquat ở nước ta. Trong thời gian chờ loại bỏ chất độc này, các bác sĩ cũng khuyến cáo nên đóng gói Paraquat dung tích nhỏ hơn và siết chặt việc mua - bán nhằm tránh sử dụng Paraquat sai mục đích (như mua để tự tử), tránh các tác động đến sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái.
Theo bác sĩ Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các ca ngộ độc Paraquat rất đáng tiếc. Bởi trong lúc tâm lý bất ổn, không ý thức được về hành vi của mình chỉ cần uống một ngụm Paraquat là khả năng tử vong đã rất cao. “Với một hóa chất gây ngộ độc nghiêm trọng như Paraquat cần phải có phương thức quản lý chặt chẽ việc mua bán để ngăn chặn các nguy cơ đến sức khỏe người hoặc phải được thay thế bằng hóa chất khác như các nước đã thực hiện”, bác sĩ Phạm Duệ nói.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, các bác sĩ luôn phải “đánh vật” với việc cấp cứu bệnh nhân ngộ độc Paraquat. Những người cứu sống được chi phí điều trị rất cao. Riêng chi phí lọc máu có thể tới 100 triệu đồng/bệnh nhân. Tuy nhiên, sau khi được cứu sống, người bị ngộ độc Paraquat vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng do tác hại lâu dài của hoạt chất này đến phổi và một số cơ quan nội tạng khác. Cách phòng ngộ độc duy nhất cần thực hiện là cấm triệt để việc lưu hành loại hoạt chất này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.