(HNM) - Loa phường là hình thức tuyên truyền khá quen thuộc với nhiều thế hệ người dân Thủ đô. Một lần nữa, hình thức tuyên truyền này đã được công an Thủ đô áp dụng hiệu quả tại các nút giao thông trọng điểm của thành phố.
Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền
Thời gian qua, trong khi dừng chờ đèn đỏ tại một số nút giao thông trọng điểm, nhiều người tham gia giao thông không khỏi bất ngờ khi nghe tiếng loa thông tin vang lên. Các nội dung được phát trên loa chủ yếu xoay quanh các văn bản liên quan đến quy định về an toàn giao thông, xử phạt vi phạm hành chính… Tiếng loa vang lên dõng dạc, thông tin không quá dài, đủ giúp người điều khiển phương tiện "thu nạp" thêm kiến thức về an toàn giao thông trong thời gian dừng chờ tín hiệu đèn.
Loa tuyên truyền pháp luật tại nút giao thông Chùa Bộc- Thái Hà. |
Loa tuyên truyền phổ biến pháp luật tại các nút giao thông là sáng kiến được liên ngành Công an thành phố và Sở GTVT Hà Nội triển khai từ giữa năm 2013, nhằm tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT theo Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ và "Năm trật tự, văn minh đô thị" theo Chỉ thị 01/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Có 16 nút giao thông trọng điểm: Phạm Hùng - Xuân Thủy, Chùa Bộc - Thái Hà, Pháp Vân - Giải Phóng, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, Điện Biên Phủ - Cửa Đông… được thí điểm lắp loa tuyên truyền. Đây là các nút giao thông quan trọng, có lưu lượng người và mật độ phương tiện đi lại đông của thành phố. Đặc biệt, việc phát loa tuyên truyền chỉ được thực hiện vào các khung giờ cao điểm buổi sáng (6h30 - 9h) và chiều (16h30 - 18h) hằng ngày, khi mà lưu lượng người tham gia giao thông đông nhất. Căn cứ vào chu kỳ đèn tín hiệu của từng nút giao thông, Tổ phụ trách biên soạn nội dung tuyên truyền cho phù hợp. Nội dung tuyên truyền được thay đổi theo từng tuần, tháng, quý với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, gần gũi thân thiện với người dân, tập trung tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, đường sắt; Luật Xử phạt vi phạm hành chính, các văn bản mới có liên quan đến lĩnh vực TTATGT để người tham gia giao thông biết và chấp hành, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật về TTATGT, từng bước giảm ùn tắc và tai nạn cho người và các phương tiện khi tham gia giao thông.
Hiệu quả từ cách làm mới
Có lẽ công an là ngành có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan mật thiết đến đời sống người dân nhất. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật do vậy càng được chú trọng để người dân nắm bắt và thực thi nghiêm túc. Sau một năm triển khai thí điểm, tại hội nghị sơ kết mới đây, việc triển khai lắp loa tuyên truyền tại 16 nút giao thông được đánh giá đem lại thành công và hiệu quả tích cực, tạo nên sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức người tham gia giao thông, góp phần kiềm chế, giảm ùn tắc và TNGT trên địa bàn Thủ đô. Hằng ngày, người tham gia giao thông được trực tiếp nghe các nội dung tuyên truyền nên chấp hành pháp luật nghiêm túc hơn. Trung tá Nguyễn Văn Tài - Đội trưởng Đội tuyên truyền Phòng CSGT (Công an thành phố Hà Nội), cho biết: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền với những nội dung phong phú và sinh động là nhiệm vụ được Công an Thủ đô coi trọng nhằm nâng cao hiệu quả phổ biến pháp luật. Với hình thức tuyên truyền này, chúng tôi hy vọng góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT thành phố Hà Nội cho biết: Sau thành công của Kế hoạch thí điểm đặt loa tuyên truyền tại 16 nút giao thông trọng điểm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nhất trí cho phép tiếp tục nhân rộng hệ thống loa tuyên truyền TTATGT trên địa bàn thành phố. Theo đó, có thêm 6 nút giao thông đường bộ được lắp loa tuyên truyền là: Quang Trung - Lê Trọng Tấn; Phùng Hưng - Tô Hiệu (Hà Đông); Phạm Văn Đồng - Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm); đường dẫn Cầu Thanh Trì - quốc lộ 5 (Gia Lâm); Quốc lộ 3 - quốc lộ 23B (Đông Anh); ngã tư thị trấn Sóc Sơn (quốc lộ 3 - tỉnh lộ 131). Không những vậy, việc lắp loa tuyên truyền còn được thực hiện tại 10 điểm giao cắt đường sắt - đường bộ. Ngoài các nội dung tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, đường sắt; Luật Xử phạt vi phạm hành chính; Tổ soạn thảo còn đưa thêm các thông báo về tình hình TNGT, các biện pháp phòng ngừa TNGT, cảnh báo thời tiết mưa bão, cây đổ, hướng dẫn xây dựng văn hóa giao thông, an toàn PCCC. Cho đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất và thực hiện ngay trong tháng 9.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.