(HNM) - Người xưa có câu
Trong nhiều cuộc họp tổng kết, triển khai nhiệm vụ năm 2012 mới đây của nhiều ngành kinh tế, các chuyên gia đã khẳng định, vấn đề chính của nền kinh tế nước ta hiện nay là hiệu quả sử dụng vốn. Nhưng, sang năm 2012, vấn đề không chỉ là sử dụng vốn mà còn là tìm nguồn vốn thế nào, bởi nguồn vốn từ ngân hàng sẽ thu hẹp khi tổng phương tiện thanh toán cũng như tăng trưởng tín dụng được hạn chế ở mức thấp năm thứ hai liên tiếp.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012 diễn ra mới đây tại Hà Nội, ngành ngân hàng đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dự kiến 15-17%, tổng phương tiện thanh toán tăng 14-16%. Những con số này chỉ cao hơn không đáng kể so với kết quả thực hiện năm 2011. Trước đó, các doanh nghiệp, nhất là các công ty đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán đã hy vọng chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ được nới lỏng vào năm sau theo đà chững lại của lạm phát. Nhưng, hiện nay những con số trên đã chỉ ra rằng chính sách tiền tệ vẫn chưa thật sự nới lỏng và nếu có nới chỉ là cung ứng thêm vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hay xuất khẩu. Và khi nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn tăng, mà tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại, doanh nghiệp sẽ phải tìm các nguồn vốn khác thay thế. Như vậy, trong năm 2012, việc cạnh tranh huy động vốn sẽ tiếp tục quyết liệt giữa các tổ chức tín dụng. Trong điều kiện trần lãi suất tiền gửi như nhau ở các ngân hàng, thì ngân hàng lớn sẽ có lợi. Tuy nhiên, biện pháp hành chính này không thể kéo dài, cơ chế lãi suất thị trường (lãi suất thỏa thuận) sẽ được áp dụng trở lại và mặt bằng lãi suất cao sẽ được duy trì theo quy luật cung - cầu. Bởi, tiền tệ cũng là một thứ hàng hóa, lãi suất là giá mua - bán. Nhu cầu cao tất yếu giá tăng và giá sẽ đứng ở mức cao cho đến khi nguồn cung được cải thiện. Cũng từ đây, sức ép huy động vốn sẽ nặng thêm ở những ngân hàng nhỏ, nhất là các ngân hàng đã cho vay nhiều trong những năm trước, đến nay chưa thu hồi được nợ quá hạn. Đó là chưa kể đến tình trạng nợ xấu vẫn tăng, theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu toàn hệ thống đã đạt tỷ lệ 3,39% tổng dư nợ (tương đương 85.300 tỷ đồng). Trên thực tế có thể còn nhiều hơn, vì có không ít ngân hàng phân loại nợ chưa đúng quy định. Rồi hoạt động đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, đối tác, hợp tác đầu tư… khá phổ biến; hoạt động ủy thác đầu tư của các ngân hàng cũng chưa rõ ràng...
Với thực tế như trên, các nhà quản lý, các DN rất lo ngại sẽ còn gặp khó khăn khi tìm các nguồn vốn để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.