(HNM) - Kết quả phân tích mẫu nước mới đây của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (NSH&VSMTNT), Sở NN&PTNT Hà Nội ở 12 huyện ngoại thành Hà Nội cho thấy, có trên 50% mẫu nước lấy tại các trạm cấp nước (TCN) tập trung và hộ gia đình có hàm lượng amoni và một số chỉ tiêu khác cao hơn mức cho phép.
Nước sinh hoạt tại hộ gia đình ở ngoại thành có hàm lượng amoni cao hơn mức cho phép. Ảnh: Yến Ngọc
Amoni vượt mức cho phép 8 lần
Theo kết quả phân tích mẫu nước của Trung tâm NSH&VSMTNT Hà Nội, trong tổng số 85 mẫu nước sinh hoạt lấy tại 85 TCN tập trung ở 12 huyện mới đây thì có tới trên 50% mẫu nước nhiễm amoni vượt tiêu chuẩn 3-5 lần, thậm chí có nơi cao gấp 8 lần (Tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế cho phép 3mg/l). Các địa phương có nguồn nước sinh hoạt nhiễm amoni cao gồm các huyện: Thanh Trì, Từ Liêm, Ứng Hòa, Thường Tín. Ngoài ra, mẫu nước ở các TCN tập trung chỉ số pecmanganat (độ ôxi hóa) cũng cao vượt mức cho phép 1,5-2,5 lần (tiêu chuẩn 4mg/l). Tại huyện Thanh Trì, kết quả phân tích 33 mẫu nước tại các TCN tập trung chỉ có 2 mẫu đạt tiêu chuẩn về amoni đó là TCN Đại Áng (xã Đại Áng) và Vĩnh Quỳnh (xã Vĩnh Quỳnh), các mẫu còn lại chỉ tiêu amoni đều vượt mức cho phép; 14/33 mẫu có chỉ tiêu pecmanganat vượt mức cho phép. Ngoài ra, tại huyện Ứng Hòa cả 7/7 mẫu; huyện Từ Liêm 12/25 mẫu nước có amoni vượt tiêu chuẩn.
Điều đáng nói là, đối với kết quả phân tích 10 chỉ tiêu tại 1.945 mẫu nước sinh hoạt ở 12 huyện ngoại thành thì có 4 chỉ tiêu vượt mức cho phép, gồm: Pecmanganat, amoni, coliform, e. coli chịu nhiệt. Tại huyện Thường Tín, đối với chỉ tiêu amoni, xã Văn Tự vượt trên 8 lần, xã Tô Hiệu vượt 7 lần; chỉ số pecmanganat, các xã Văn Tự, Nguyễn Trãi, Tân Minh đều vượt gần 3 lần so với tiêu chuẩn cho phép; chỉ tiêu coliform chịu nhiệt, xã Văn Bình, Vân Tảo, Nhị Khê đều vượt trên 2 lần cho phép.
Giải pháp nào hạn chế amoni?
Theo ông Lý Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm NSH&VSMTNT Hà Nội, nguyên nhân chính dẫn đến nguồn nước ngầm ở các huyện ngoại thành Hà Nội nhiễm amoni cao do cấu tạo địa chất khu vực này và do tích tụ từ cặn bã, chất thải sinh hoạt, phân bón... Việc khoan giếng thủ công dày đặc, thiếu khoa học của người dân nông thôn cũng là nguyên nhân khiến cho nguồn nước ngầm dễ bị nhiễm amoni. Tuy nhiên, việc xử lý amoni trong nước ngầm hiện nay tại Hà Nội lại rất khó thực hiện. Lý do là công nghệ xử lý amoni phải nhập từ nước ngoài, giá thành rất đắt. Hơn nữa nếu áp dụng biện pháp này đòi hỏi các TCN tập trung phải có diện tích rộng gấp 8-10 lần so với diện tích hiện tại. Hiện tại, các TCN tập trung và hộ gia đình đều xử lý nước theo công nghệ đơn giản, thậm chí để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của nhân dân, một số TCN tập trung còn bỏ qua một số công đoạn trong quá trình xử lý nước dẫn đến tình trạng nước sinh hoạt ngày càng nhiễm amoni cao.
Theo Trung tâm NSH& VSMTNT Hà Nội, khi amoni có trong nước ăn, uống vượt quá tiêu chuẩn thì chưa ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng đó là dấu hiệu cho thấy nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất thải có nguồn gốc động vật và có thể chứa các vi khuẩn gây bệnh. Bản thân amoni không độc, nhưng trong quá trình khai thác, xử lý và lưu trữ nước, nó có thể chuyển hóa thành nitrit và nitrat. Nitrit lại là chất độc hại đối với sức khỏe con người. Đối với trẻ sơ sinh, chất này còn là tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, vàng da sinh lý.
Giải pháp nào giảm thiểu lượng amoni trong nước sinh hoạt đang được người dân khu vực ngoại thành nói riêng và Hà Nội nói chung quan tâm. Theo ông Lý Thanh Sơn, trước mắt các cấp, các ngành cần tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường khu vực nông thôn; thường xuyên hướng dẫn người dân cách lọc nước, thau rửa bể lọc nước theo đúng quy trình, kỹ thuật để có nguồn nước bảo đảm hợp vệ sinh khi sử dụng. Hỗ trợ nông dân chuyển chăn nuôi ra xa khu dân cư và hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi cũng là giải pháp quan trọng giảm ô nhiễm. Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa nguồn nước nhiễm amoni, nông dân mong muốn UBND thành phố sớm phê duyệt dự án hỗ trợ xây dựng các công trình xử lý nước quy mô hộ gia đình trên địa bàn ngoại thành. Về lâu dài, giải pháp hữu hiệu nhất để loại bỏ amoni trong nước sinh hoạt là dùng nước mặt sông Đà, sông Hồng thay thế hoàn toàn nguồn nước ngầm hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.