Nghiên cứu của các nhà khoa học Trường đại học Columbia của Mỹ được công bố ngày 22/4 trên tạp chí Khoa học nổi tiếng thế giới khẳng định tầng ozon ở Nam Cực bị thủng đã làm biến đổi khí hậu nghiêm trọng ở Nam Bán cầu suốt 50 năm qua.
Phát hiện mới này thực sự gây bất ngờ đối với giới khoa học bởi đây là lần đầu tiên, lỗ thủng tầng ozon ở Nam Cực được coi là nguyên nhân làm biến đổi khí hậu trên cả một nửa Trái Đất kể cả khu vực xích đạo, đặc biệt là làm tăng lượng mưa ở Nam Bán cầu.
Lượng mưa vào mùa Hè ở các khu vực vốn khô hạn ở vùng cận nhiệt đới ở Nam Bán cầu đã tăng thêm 10% trong 50 năm qua.
Lỗ thủng tầng ozon đã làm Nam Cực lạnh đi nghiêm trọng khiến gió Nam đổi chiều thổi từ Tây sang Đông khắp Nam Cực, đẩy vành đai khô hạn ở vùng cận nhiệt đới tiến sâu xuống phía Nam, góp phần làm tăng lượng mưa ở vành đai này.
Nghiên cứu trên cũng nhấn mạnh mô hình khí hậu mới đã tác động rất mạnh đến khí hậu ở Australia, biến nhiều khu vực của nước này trở nên khô hạn và liên tục hạn hán nghiêm trọng trong những năm gần đây. Các tính toán khoa học cho thấy lỗ thủng tầng ozon ở Nam Cực biến đổi 10% sẽ dẫn đến biến đổi khí hậu 35% ở Australia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.