(HNM) - Chế biến hạt ngô giống đang là một yêu cầu cấp thiết, nhằm cung cấp đầy đủ hạt giống cho các vùng chuyên canh. Việc tìm ra các giải pháp cho hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống quy mô công nghiệp sẽ góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất tại nhiều làng nghề, hướng tới nền sản xuất "nông nghiệp xanh” bền vững.
Thiết bị sấy "Make in Vietnam"
Để sấy, chế biến ngô giống thường qua 3 công đoạn sấy (sấy bắp, sấy ngô hạt, sấy hạt sau nhuộm màu xử lý hóa chất) và sử dụng nguồn năng lượng nhiệt và điện. Trước đây, doanh nghiệp thường sử dụng lò đốt kiểu cũ, không có tự động điều khiển nhiệt độ tác nhân sấy, không tận dụng nhiệt thoát ra môi trường, không có hệ thống “dập tàn” lửa, tro bụi...
Khắc phục những nhược điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM) thuộc Bộ Công Thương cùng nhóm cộng sự đã nghiên cứu giải pháp “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống quy mô công nghiệp, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường”.
Nhóm nghiên cứu đã phải mất tới 3 năm để cho ra đời hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống hoàn thiện. So với các sản phẩm hiện có trên thị trường, đây là hệ thống kiểu mới, có nhiều ưu điểm nổi trội.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tùng, hệ thống cơ bản đáp ứng những yêu cầu khách hàng mong muốn, như: Tiết kiệm năng lượng ở mức tối đa nhất, chất lượng sản phẩm sau chế biến tốt nhất, hiệu suất làm việc và tính ổn định của thiết bị đạt được lớn nhất... Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tùng, một trong những điểm đột phá của hệ thống, chính là khả năng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Mẫu lò này có khả năng sử dụng nhiều loại nhiên liệu rắn, như: Than, sinh khối (lõi ngô, củi) và còn có thể đốt được cả nhiên liệu khí. Lò điều khiển nhiệt độ tác nhân sấy tự động, điều khiển tự động bằng khí nén. Ngoài ra, còn tận dụng nhiệt thải ra môi trường từ lò, nhằm tiết kiệm năng lượng, tăng tuổi thọ của lò. Mẫu lò này có hệ thống “dập tàn” lửa, tro bụi tự động, nên không gây khói bụi, không gây hỏa hoạn, công nhân vận hành làm việc an toàn, sạch sẽ… Công nghệ mới tiết kiệm được khoảng 20-30% năng lượng nhiệt, 10-15% năng lượng điện cho toàn hệ thống.
Đặc biệt, đây là hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ, khép kín, được nghiên cứu và chế tạo 100% ở trong nước. Điều này giúp giá thành đầu tư hệ thống chỉ bằng khoảng 25-30% so với giá thành nhập khẩu từ các nước châu Âu và khoảng 40-50% so với các nước châu Á, nhưng vẫn mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng tương đương.
“Khi tiếp cận những doanh nghiệp đã sử dụng dây chuyền của nước ngoài, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, vì họ đều cho rằng sản phẩm nội khó có thể cạnh tranh về chất lượng. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, các doanh nghiệp đều đánh giá cao, vì dây chuyền bảo đảm chất lượng thành phẩm giống cao, trong khi giá thành lại thấp so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tùng thông tin thêm.
Ấp ủ nhiều dự định
Kết quả của giải pháp đã được ứng dụng vào sản xuất để sấy, chế biến ngô giống và cho thấy chất lượng của dây chuyền thiết bị đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra (dây chuyền hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm sau sấy, chế biến đạt kết quả tốt), được Phòng Thí nghiệm chuyên môn của Viện nghiên cứu Ngô (huyện Đan Phượng) kiểm nghiệm. Bên cạnh những hiệu quả về kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường, hệ thống này còn đem lại hiệu quả xã hội, góp phần cải thiện điều kiện làm việc, an toàn lao động cho người lao động; tạo việc làm, nâng cao thu nhập đối với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân...
Công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống quy mô công nghiệp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tùng và cộng sự đã xuất sắc giành giải Nhất lĩnh vực khoa học, công nghệ tại Giải thưởng nhân tài Đất Việt lần thứ 16 vào tháng 4 vừa qua. Trước đó, năm 2019, công trình này cũng đạt giải Nhất - Giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) ở lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.
“Trong tương lai, chúng tôi ấp ủ thực hiện các hệ thống sấy, chế biến khác, như: Hệ thống dây chuyền sấy sắn khúc năng suất “siêu lớn”; sấy các loại hạt giống; sấy các loại rau, củ, quả, thảo dược…”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tùng bày tỏ.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), công trình của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tùng và cộng sự được đánh giá cao về tính sáng tạo, tính mới, hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng ứng dụng rộng rãi trong điều kiện của nước ta. Nghiên cứu này đã giúp nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất trong việc chế biến hạt giống và góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, công trình đã giúp tạo thêm việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân, góp phần phục vụ phát triển "nông nghiệp xanh" một cách bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.