Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lộ rõ sự… lo lắng!

Thụy Du| 19/04/2015 06:04

(HNM) - Sau 8 tháng được phê duyệt, trung tuần tháng 4-2015,


Nỗi lo có thật

Quy hoạch đặt ra mục tiêu cơ bản, đòi hỏi thực hiện thắng lợi nhiều phần việc lớn nhằm tạo bước phát triển căn bản cho ngành nghệ thuật biểu diễn (NTBD). Mục tiêu ngành NTBD đề ra là đến năm 2020 có tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ thế giới, đến năm 2030 thì NTBD Việt Nam có vị trí vững chắc trong khu vực và Châu Á. Đó là nhiệm vụ không hẳn bất khả thi, nhưng chắc chắn không hề dễ dàng. Nói vậy là bởi nhìn vào các lĩnh vực điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, Việt Nam đã có tác phẩm ngấp nghé "tầm thế giới", có được vị trí cao ở nhiều sự kiện nghệ thuật mang tính chuyên ngành quốc tế. Song, từ quy hoạch nhìn lại, dễ thấy bản quy hoạch tổng thể về phát triển NTBD được soạn thảo dựa trên thực trạng ngành năm 2010, đến nay, đã qua 5 năm mà hầu như không có sự chuyển biến đáng kể. Vậy thì sau 5 năm nữa, liệu chúng ta có còn phải đặt câu hỏi "Tại sao đến giờ ngành NTBD vẫn chưa có tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, mang tính đột phá, chưa có tác phẩm tầm cỡ thế giới?", như PGS.TS Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam đặt ra cho giai đoạn vừa qua.

Một chương trình biểu diễn áo dài. Ảnh: Bảo Đan


Nhìn vào thực tế, có thể hiểu được những băn khoăn dành cho NTBD trong thời gian qua. Tác phẩm lớn thưa vắng, nghệ thuật nhường ngôi cho giải trí đơn thuần. Sân khấu loay hoay tìm đủ cách mà vẫn chưa thoát khỏi cảnh "đứt bữa" do thiếu kịch bản hay, phải nương nhờ vào những mảng miếng gây cười, những trích đoạn "kinh điển". Người mẫu, diễn viên cảm thấy khó sống bằng nghề, một số sử dụng chiêu trò câu khách thay vì nghệ thuật, lấy đó làm phương tiện tiến thân chủ đạo. Người này "cởi", người kia "khoe", "lộ" trên sàn diễn chưa đủ thì thêm cách "lộ trên phây". Trào lưu xấu lan nhanh… Giữa làn sóng biểu hiện phản nghệ thuật đã qua thời manh nha, những người làm nghệ thuật đúng nghĩa lại chưa có đầy đủ điều kiện để tạo ra tiếng nói quyết định, dùng giá trị nghệ thuật đích thực đẩy lùi ảnh hưởng từ những trào lưu xấu. Chính kịch bị hài kịch "lấn át", giao hưởng thính phòng vẫn vắng khách vì kén người nghe; nghệ thuật truyền thống như cải lương, tuồng, chèo không dễ "đỏ đèn" thường xuyên; những hội diễn, liên hoan nghệ thuật để lại dư âm hạn chế. Một số đơn vị nghệ thuật gặp khó khăn, không phải vì thiếu tài năng, thiếu sáng tạo mà vì nhiều khi "không có nhà để hát", tác phẩm khó đến với khán giả, đến mức mà Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương từng đề ra giải pháp trước mắt là "sử dụng chung các địa điểm biểu diễn mà Bộ quản lý". Nhưng, như ý kiến của đại diện Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Giang, "Hà Nội không có thiết chế này thì có thiết chế khác chứ ở tỉnh khác mà không có thì diễn ở đâu?"...

Trong đời sống NTBD, có những hạn chế đến từ điều tưởng chừng nhỏ nhặt như là diễn ở đâu, chế độ đãi ngộ cần cho nghệ nhân, nghệ sĩ… ai cũng biết nhưng không dễ khắc phục hạn chế. Vậy thì, liệu có dễ tạo bước chuyển căn bản trong vòng 5 năm tới?

Không cẩn thận, dễ lâm cảnh "đuổi hình, bắt bóng"

Ông Phạm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục NTBD thừa nhận: "Trong quy hoạch là 17 đề án lớn phải thực hiện, đó là chưa kể nhiều đề án đang triển khai, không đưa vào. Khối lượng công việc quá nhiều!".

Nhìn vào quy hoạch vừa được công bố, có thể thấy một số nội dung bị coi là... "trên trời", từng xuất hiện trong bản dự thảo được đệ trình một năm trước đó, nay đã được rút lại, điều chỉnh. Đó là tín hiệu mừng. Tuy vậy, trong 17 đề án dự định triển khai thực hiện từ nay đến năm 2020, vẫn có nội dung chưa sát thực tế, như người ta nói là thiếu tính khả thi. "Luật NTBD được giới trong nghề mong chờ từ rất lâu, song, dự kiến đến năm 2017 mới có thể hoàn thành, chưa kể còn phải triển khai, phổ biến, xây dựng thông tư hướng dẫn. Với tiến độ "rùa" ở nhiều khâu như hiện nay, e rằng đến hết năm 2020 luật cũng chưa đi vào cuộc sống. Liệu có như chế độ nhuận bút, thù lao cho các tác giả vừa được ban hành đã lạc hậu? Không khéo làm, chúng ta chỉ theo đuổi cái bóng của thực tế", NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận xét.

Căn cứ vào những đề án được điểm trong quy hoạch, sắp tới, ngành NTBD tập trung vào một số vấn đề: phổ biến quy hoạch, xây dựng văn bản, cơ chế chính sách cho các vấn đề liên quan, đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất, xã hội hóa đơn vị nghệ thuật công... Song, điều đáng lưu ý là những giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ lớn dường như mới ở mức "gạch đầu dòng", nhiều thứ còn khá chung chung. "Cơ chế đãi ngộ cho nghệ sĩ có thành tích cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế dự kiến vài năm nữa mới được áp dụng, làm sao thúc đẩy sáng tạo? Trong triển khai thực hiện quy hoạch, tôi chưa thấy đề cập rõ đơn vị nào cần xã hội hóa, đơn vị nào được đầu tư, đầu tư ra sao. Thế thì họ biết hướng nào mà vận động?", NSND Lê Tiến Thọ chỉ ra sự chưa hợp lý trong công tác triển khai quy hoạch.

Ý kiến từ địa phương càng thể hiện rõ sự lo lắng. Đại diện Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Cạn nói: "Ngay cả việc chuyển ngạch cho diễn viên mà chúng tôi còn bối rối, nói gì đến vấn đề lớn. Nếu không có đề án cụ thể, hợp lý thì lãnh đạo tỉnh chẳng dám liều phê duyệt đầu tư trong thời buổi kinh tế khó khăn thế này". PGS.TS Lương Hồng Quang, thành viên trong tổ soạn thảo quy hoạch cũng thừa nhận: "Chỉ còn 5 năm thực hiện, thời gian hạn hẹp, nguồn lực bó hẹp, rất khó hoàn thành".

Trở lại mục tiêu của ngành NTBD năm 2020, rõ ràng là những đề án trên, nếu được thực hiện bài bản thì sẽ giúp nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật. Song, vấn đề là mục tiêu và điều kiện thực hiện chúng còn có sự vênh nhất định. Đây là bản quy hoạch đầu tiên của ngành NTBD, không tránh khỏi những điều khúc mắc, cần rút kinh nghiệm cho những lần xây dựng quy hoạch sau đủ "xa, sâu, rộng, dài" và sát với thực tế hơn. Với bản quy hoạch hiện tại, trong công tác triển khai tới đây, có lẽ cần có sự rà soát lại, tập trung nguồn lực cho những đề án, chương trình rõ tính khả thi nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lộ rõ sự… lo lắng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.