(HNM) - Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ (gọi tắt là NĐ 75) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2010. Sau một năm đi vào cuộc sống, việc thực hiện NĐ 75 đã bộc lộ nhiều điểm cần xem xét lại.
Dịch vụ karaoke - nhìn đâu cũng thấy vi phạm
Dich vụ karaoke - một trong những đối tượng điều chỉnh của NĐ 75 - đã có sự chuyển biến nhất định như hoạt động đúng giờ quy định hơn kể từ ngày 1-9-2010. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy nhiều cửa hàng kinh doanh karaoke, vũ trường vẫn cho khách trong tình trạng "lâng lâng" vào giải trí, trong khi điểm a, khoản 1, Điều 18 (NĐ 75) quy định rõ cho người say rượu, bia vào vũ trường, phòng karaoke sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Ngay với những điểm kinh doanh karaoke được đánh giá là "lành mạnh" ở khối phố 2, phường Yết Kiêu, Hà Đông (Hà Nội), đến bất cứ cửa hàng nào, khách đều có thể gọi rượu theo nhu cầu mặc dù Điều 22 của NĐ đã quy định phạt tiền từ 500.000 đến 1.500.000 đồng đối với hành vi uống rượu tại phòng karaoke; phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với hành vi bán rượu tại phòng karaoke.
Công an Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn. |
Điều 19 quy định rõ sẽ phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng nếu phòng hát bị che kín cửa hoặc từ bên ngoài không thể nhìn rõ toàn bộ phòng karaoke, thế nhưng ở rất nhiều phòng karaoke trên địa bàn Thủ đô hiện nay, khách hàng không thể nhìn thấy gì từ phía ngoài và ngược lại.
Đến thời điểm này, Hà Nội chưa có thống kê chính xác về số đơn vị kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng vi phạm NĐ 75, dù vi phạm là tương đối phổ biến. Các tỉnh, thành phố khác cũng không khá hơn. Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Yên Bái vừa kiểm tra 46 cơ sở, nhà hàng kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn, phát hiện 4 cơ sở đã hết hạn giấy phép kinh doanh, 14 cơ sở kinh doanh không phép. Ở Đồng Nai, Thanh tra Sở VH,TT&DL phối hợp đội kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra 97 cơ sở kinh doanh karaoke thì phát hiện tới 89 cơ sở vi phạm, đã xử phạt hành chính 167 triệu đồng…
Đồ mã: cấm cứ cấm, đốt cứ đốt
Việc đốt đồ mã gây lãng phí cũng bị phạt nặng. Điều 18 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi "đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác"; phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với hành vi "tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn". Tuy vậy, tình trạng đốt vàng mã vẫn diễn ra khá phổ biến trong đền chùa và nơi công cộng. Ngày 11-2-2011, đoàn công tác của Bộ VH,TT&DL đi kiểm tra lễ hội đã chứng kiến cảnh người nối người chờ đến lượt hóa mã ở đền Bà Chúa Kho; đền Sóc - Sóc Sơn; đền Và - Sơn Tây (Hà Nội). Trước cổng phủ Tây Hồ treo biển in đậm dòng chữ "Theo NĐ 75, khách đến đền, chùa, phủ thắp hương không được đốt đồ mã như mũ, quần áo, ngựa…" suốt cả năm nay nhưng vẫn có người mang đồ mã vào làm lễ. Đốt đồ mã ở đền, chùa đã đành, nhiều người còn thản nhiên mang đồ mã ra đốt giữa đường. Chị Nguyễn Thanh Hà ở tổ dân phố 2, phường La Khê (Hà Đông) nói: "Phố xá, nhà cửa chật chội, không đốt ngoài đường thì biết đốt ở đâu. Tôi có biết đến quy định cấm đốt vàng mã nhưng những ngày lễ trọng thì không thể không đốt".
Không như các loại hình kinh doanh, việc đốt đồ mã mang yếu tố tâm linh nên không dễ điều chỉnh. Thanh tra Bộ VH,TT&DL cho biết: Rất ít địa phương xử phạt hành vi đốt đồ mã nơi công cộng.
Cần làm rõ nhiều khái niệm
Những ví dụ trên cho thấy nhiều người biết nhưng vẫn cố tình vi phạm NĐ 75, còn cán bộ chức năng thì nhẹ tay khi xử lý. Về vấn đề này, ông Trần Tiến, Chánh Thanh tra Sở VH,TT&DL Đồng Nai cho hay: NĐ 75 bộc lộ nhiều nội dung, khái niệm chưa rõ ràng nên các đối tượng dễ dàng "lách luật".
Ví dụ, Điều 18 quy định xử phạt đối với hành vi cho người say rượu vào nơi công cộng nhưng khái niệm "say rượu" chưa được xác định rõ. Điều 22 chỉ quy định xử phạt đối với hành vi uống rượu, bán rượu tại phòng karaoke, cơ sở kinh doanh dễ dàng bán bia, mà uống bia nhiều thì tác hại cũng không kém gì rượu… Đối với việc đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa, nơi công cộng khác (điểm c, khoản 1, Điều 18), GS Ngô Đức Thịnh, GĐ Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng: "Phải quy định rõ hơn thế nào là lễ hội. Một nhóm người tập trung lại và cùng nhau thực hiện một nghi lễ nào đó thì có được coi là lễ hội không?".
Đó là chưa kể sự khó xử phạt đối với hành vi "rải tiền trên đường trong các đám tang" (khoản 3, Điều 15); xử lý đối với hành vi nhân bản băng, đĩa ca nhạc, sân khấu chưa được phép phát hành với số lượng từ 10 bản đến dưới 100 bản (Điều 12); bán, cho thuê băng, đĩa ca nhạc, sân khấu thuộc loại chưa được phép phát hành với số lượng dưới 50 bản (Điều 14)… "Để bắt quả tang và xử lý những hành vi này thì các cơ hữu quan phải "cắm chốt" cán bộ ở mọi chỗ, mọi nơi trong khi lực lượng cán bộ có hạn" - ông Nguyễn Cát Khoa, Trưởng phòng VH-TT huyện Phú Xuyên (Hà Nội) nhận xét.
Một văn bản pháp luật chỉ có tính khả thi cao khi quy định rõ ràng, phù hợp thực tiễn. Để NĐ 75 phát huy hiệu quả, ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH,TT&DL) cho rằng: Một mặt cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; mặt khác cần làm rõ một số khái niệm để cơ quan hữu trách có căn cứ thi hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.