Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lò phản ứng hạt nhân: Tìm một thế hệ an toàn hơn

Quỳnh Chi| 17/03/2011 07:07

(HNM) - Sau trận động đất, sóng thần lịch sử khiến Nhật Bản - đất nước có hệ thống tiêu chuẩn an toàn khắt khe - phải đối diện với nguy cơ khủng hoảng hạt nhân thì nhiều quốc gia đã phải xem xét lại chiến lược phát triển loại năng lượng này.

Nhà máy Điện hạt nhân Three Mile Island của Mỹ.

Ngày 15-3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ra lệnh đóng cửa ngay lập tức 7 lò phản ứng được đưa vào hoạt động từ cuối năm 1980 để khảo sát lại độ an toàn. Lệnh đóng cửa sẽ kéo dài trong 3 tháng. Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Thụy Sỹ, bà Doris Leuthard tuyên bố nước này sẽ hoãn kế hoạch xây dựng và thay thế các nhà máy điện hạt nhân để đánh giá lại. Còn tại Nga - quốc gia tiên phong trong lĩnh vực điện hạt nhân ở châu Âu - mặc dù chính quyền cho hay sẽ không xem xét lại kế hoạch xây dựng các lò phản ứng hạt nhân, nhưng cũng tỏ ra thận trọng hơn khi khẳng định sẽ tính toán kỹ trước khi thực hiện những dự án mới. Trước đó, hầu hết các quốc gia ở các châu lục khác cũng đã tiến hành kiểm tra tổng thể chương trình điện hạt nhân của nước mình.

Trong 60 năm kể từ khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới được xây dựng tại Mỹ vào năm 1951, đây không phải lần đầu tiên thế giới phải đối mặt với khủng hoảng. Ngày 28-3-1979, nước Mỹ đã phải trải qua những giây phút nghẹt thở khi khoảng một nửa lõi của lò phản ứng ở Nhà máy Điện hạt nhân Three Mile Island (TMI) ở bang Pennsylvania bị tan chảy, buộc hơn 100 nghìn người phải sơ tán. Tuy nhiên, thiệt hại trong vụ này không lớn vì các chuyên gia đã nhanh chóng đưa đủ nước làm lạnh để ngăn chặn quá trình tan chảy thanh nhiên liệu và gây rò rỉ phóng xạ. Bảy năm sau, vào ngày 26-4-1986, thảm họa đã xảy ra khi Nhà máy Điện nguyên tử Checnobyl ở Ukraine phát nổ, tung 190 tấn bụi phóng xạ vào bầu khí quyển. Cho đến tận bây giờ, hơn 160 nghìn kilômét vuông xung quanh nhà máy này vẫn là "vùng đất chết". Mức nhiễm xạ của những nạn nhân tại Ukraine cao hơn ở Nhật Bản sau vụ Hirosima hồi Chiến tranh thế giới lần thứ II đến 90 lần.

Nhiều quốc gia đồng loạt xem xét lại độ an toàn của các lò phản ứng vì đa số nhà máy điện hạt nhân trên thế giới hiện nay có cơ chế hoạt động tương tự Fukushima 1 - tức là thế hệ lò hạt nhân thứ II, được xây dựng vào những năm 70 của thế kỷ trước. Chỉ một số ít quốc gia có lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ III với độ an toàn cao hơn, nhưng về mặt kỹ thuật cũng không khác mấy so với thế hệ trước. Đáng nói là dù độ rủi ro cao nhưng đây lại là nguồn năng lượng khó có thể thay thế nếu xét về trung hạn. Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng thế giới (IEA), tới năm 2050, nhu cầu sử dụng điện của thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện tại. Mức nhu cầu ghê gớm đó không thể được đáp ứng đủ bằng các nguồn năng lượng sạch như gió, mặt trời. Bên cạnh đó, các nguồn nguyên liệu truyền thống để sản xuất điện như than và nước đang ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, nhà máy điện hạt nhân sẽ vẫn được lựa chọn trong tương lai gần. Tuy nhiên, cần phải nâng cao hơn nữa độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân. Hiện tại, lò phản ứng hạt nhân thế hệ IV đang được 10 nước chung sức nghiên cứu trong khuôn khổ Hiệp định Diễn đàn điện học quốc tế (FIG), do Mỹ đề xướng từ năm 2000. Các lò tương lai này có khuynh hướng tiến tới chu kỳ kín, tức là có khả năng đốt cháy phần lớn chất thải để đáp ứng 4 tiêu chuẩn chính: tiết kiệm tài nguyên; tiết kiệm về chu kỳ nhiên liệu; hạn chế chất thải phóng xạ; hạn chế sự lan rộng vũ khí nguyên tử. Vẫn còn trong thời kỳ phôi thai, nên lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới chưa thể hoạt động trước năm 2035.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lò phản ứng hạt nhân: Tìm một thế hệ an toàn hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.