Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lo nhiều hơn mừng

Hà Tuấn| 31/10/2012 06:56

(HNM) - Tròn 10 năm phát triển Khu công nghệ cao (KCNC) TP Hồ Chí Minh, không thể phủ nhận những thành tựu đạt được qua giá trị sản xuất lẫn xuất khẩu đều tăng hàng năm. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu kém chưa thể khắc phục và là thách thức lớn cho quá trình phát triển KCNC trong chặng đường phía trước.

Giá trị sản xuất tăng hàng năm

Theo thống kê của Ban quản lý KCNC (SHTP), đến nay KCNC đã xúc tiến mời gọi được 66 nhà đầu tư, sản xuất CNC có uy tín trên thế giới tham gia với tổng vốn đạt 2.219,40 triệu USD như: Intel sản xuất lắp đặt chipset, Jabil sản xuất linh kiện điện tử của Hoa Kỳ; Nidec sản xuất động cơ nước của Nhật; Datalogic sản xuất thiết bị đọc mã vạch của Italia… Lũy kế giá trị sản xuất của KCNC đạt 3.612,85 triệu USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 3.575,54 triệu USD, nộp ngân sách bình quân hàng năm trên 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 17.000 lao động. Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban SHTP cho biết, kết quả này đã góp phần tích cực thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế TP, đồng thời góp phần giải quyết lượng việc làm và đào tạo công nhân. Các dự án FDI cũng góp phần tích cực cho chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP giai đoạn 2006 - 2010 theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp và giảm dần khu vực nông nghiệp.


Hoạt động sản xuất của một nhà máy tại Khu công nghệ cao.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, KCNC sẽ trở thành một trung tâm CNC về sản xuất công nghiệp, góp phần quan trọng tạo ra giá trị sản phẩm ứng dụng đạt 35% tổng GDP của TP; trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển mạnh về CNC, gắn kết giữa nghiên cứu, phát triển, đào tạo, ươm tạo với sản xuất và dịch vụ; thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp và thương mại hóa sản phẩm CNC.

Yếu nhiều mặt

Theo SHTP, dù đạt được những bước tiến đáng kể trong 10 năm qua, tuy nhiên, xét trên các chỉ tiêu giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu còn thấp và chưa đạt so yêu cầu đã đề ra cho giai đoạn 5 năm (2006 - 2010). Cụ thể, đến nay với lũy kế tổng giá trị sản xuất 3.612,85 triệu USD, chỉ đạt 80,22% so với chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ giá trị gia tăng bình quân trong các sản phẩm CNC của các doanh nghiệp chỉ đạt trung bình khoảng từ 10 đến 12%. Mặt khác, tiêu chí về cơ cấu lao động tại KCNC phải khoảng 70% là "công nhân trí thức" nhưng hiện tỷ lệ lao động phổ thông đang chiếm khoảng 76% (ở nhiều nhà máy của Nidec, Allied, Sonion…). Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Văn Lạng cho hay, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn thiếu và yếu, đã ảnh hưởng đến lợi thế so sánh và bỏ lỡ nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư cũng như đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại KCNC. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực là thách thức trong thời gian tới, cần phải có cơ chế thật sự khác biệt để thu hút.

Cũng theo nhiều chuyên gia, nguyên vật liệu để sản xuất sản phẩm CNC chủ yếu từ nhập khẩu. Việc nghiên cứu và kết quả công nghệ của các tập đoàn FDI lớn được triển khai ở nước sở tại nên quá trình sản xuất ở KCNC chỉ là công đoạn cuối (lắp ráp, kiểm tra sản phẩm, đóng gói...) dẫn tới không hoàn thành mục tiêu chuyển giao công nghệ. Các ngành công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ lan tỏa chưa hoạt động, chưa sẵn sàng về nhà xưởng cho thuê và còn thiếu các hạng mục phục vụ hoạt động cho KCNC. Do đó, chưa tạo nên sự khác biệt đáng kể giữa KCNC với khu công nghiệp và kém cạnh tranh so với một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan. Theo thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Văn Lạng, nguyên nhân do các thủ tục hành chính hiện còn rườm rà, quyết toán thuế còn mất khá nhiều thời gian. Đặc biệt, việc thực hiện khai báo hải quan điện tử vẫn còn "phân biệt" giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ... khiến KCNC mất dần tính hấp dẫn thu hút đầu tư.

Tại lễ tổng kết 10 năm thành lập KCNC, Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy TP Lê Thanh Hải nhận định, SHTP cần có biện pháp thiết thực thúc đẩy, hỗ trợ các dự án đầu tư đã triển khai tốt, thực hiện nội dung đã cam kết với các nhà đầu tư. Đặc biệt, cần có các chính sách để khuyến khích, lôi kéo nguồn nhân lực công nghệ cao, bao gồm các nhà khoa học hàng đầu trong nước, Việt kiều và nước ngoài.

Khu công nghệ cao TP chính thức thành lập tháng 10-2002, được xem là một trong ba khu CNC quốc gia với diện tích 913ha. Sau 10 năm hình thành và phát triển, Khu Công nghệ cao TP được đánh giá là điểm đến đáng tin cậy về đầu tư công nghệ cao trên cả nước, với sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, như: Intel Corp, Nidec, Datalogic Scanning…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lo nhiều hơn mừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.