(HNM) - Tỷ lệ sinh bình quân của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở TP Hồ Chí Minh hiện thấp nhất cả nước.
Không muốn sinh thêm con vì áp lực
Theo thống kê của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng trung bình cả nước. Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân ở thành phố chỉ sinh bình quân 1,45 con/cặp vợ chồng, có thời điểm giảm xuống còn 1,2-1,3 con/cặp.
Tỷ lệ sinh thấp sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu dân số. |
Tiếp nhận thông tin này, chị Nguyễn Thị Thạnh, làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận, cho biết: “Vợ chồng tôi cũng muốn có thêm con thứ 2, nhưng chăm sóc trẻ ở TP Hồ Chí Minh quá tốn kém. Đồng lương công nhân của hai vợ chồng quá thấp, chúng tôi không dám nghĩ đến chuyện mua nhà, nói gì đến sinh con thứ 2”.
Ngoài khó khăn về kinh tế, vấn đề tìm việc làm sau khi nghỉ sinh ở thành phố cũng không dễ. Chị Lê Thị Hà ở quận 3 là một ví dụ. Vì nắm giữ vị trí quan trọng ở công ty, chị Hà đuợc trả lương 1.000 USD/tháng. Tuy nhiên, truớc khi nghỉ thai sản, công ty đã đưa ra quan điểm, nếu nghỉ 6 tháng thì công ty buộc phải tuyển người thay thế, khi đó sẽ điều chuyển chị Hà qua bộ phận khác, lương giảm đi. Trước áp lực trên, chị Hà phải đi làm khi con mới 1 tháng tuổi. “Cơ hội xin được công việc đúng chuyên môn, mức lương tương xứng với độ tuổi ngoài 35 mà có 2 con nhỏ là chuyện khó khăn ở thành phố này”, chị Hà chia sẻ.
Lo lắng cho tương lai
Từ năm 2005 đến nay, mỗi phụ nữ ở nước ta trong độ tuổi sinh đẻ chỉ sinh 2,1 con. Tỷ lệ sinh này được các nhà nghiên cứu dân số cho là mức ổn định, đạt cơ cấu dân số vàng. Nhưng nếu một phụ nữ chỉ sinh dưới 2 con thì 30 năm sau quốc gia sẽ thiếu lao động trầm trọng. Thực trạng này đã được minh chứng tại các nước Châu Âu và một số nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Do có tỷ lệ sinh thấp, nên các quốc gia này đang lo lắng vì tình trạng dân số già hóa, thiếu hụt lao động. Hơn nữa, những người sinh một con còn phải tập trung chăm sóc cho cha mẹ và ông bà, thay vì được san sẻ công việc này nếu có anh chị em.
Theo ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), với mức sinh thấp hiện nay ở TP Hồ Chí Minh, tương lai một đứa trẻ thành phố sẽ phải gánh trọng trách chăm sóc 4 người già là ông bà và bố mẹ. Vấn đề đáng lo ngại khác là tương lai thành phố sẽ thiếu hụt lao động. Trên thực tế, hiện nay, với khoảng 70% lao động nhập cư từ khắp các tỉnh, thành phố cả nước đổ về TP Hồ Chí Minh, việc quản lý an ninh gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Cảnh Nhạc khuyến cáo, TP Hồ Chí Minh phải tăng mức sinh lên 2,1 để có cơ cấu dân số ổn định. Để tăng mức sinh, ngoài việc tuyên truyền khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con thì ngành Y tế thành phố cần phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản để phụ nữ bảo đảm sinh con khỏe mạnh, hạn chế tình trạng phá thai ở tuổi vị thành niên. Trên thực tế, để đối phó với tỷ lệ sinh thấp, các nuớc phát triển đã phải áp dụng chính sách hỗ trợ cho người dân sinh thêm con thứ 2, hoặc cặp vợ chồng được nghỉ thai sản kéo dài hơn 1 năm để chăm sóc con cái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.