(HNM) - Ngày 3-12, tại Hà Nội, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị tăng cường giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm các tỉnh khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Hội nghị nhận định, Tết Nguyên đán đang đến gần, vì vậy công tác bảo vệ, phòng dịch cho đàn gia cầm phải được ưu tiên để bảo đảm nguồn cung thực phẩm ra thị trường ổn định và an toàn cho người tiêu dùng.
Tiêm phòng dịch cúm gia cầm tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Ảnh: Phương An |
Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 23 tỉnh, thành trên cả nước. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là hơn 75 nghìn con, trong đó chủ yếu là vịt. Đáng lo ngại là tại khu vực Đồng bằng Bắc bộ, nơi chăn nuôi số lượng lớn gia cầm đã tái phát dịch cúm tại tỉnh Nam Định. Ngoài tỉnh Nam Định, tỉnh Nghệ An cũng đã có loại dịch bệnh nguy hiểm này. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty Thú y vùng 1, khu vực các tỉnh Bắc bộ hiện đang kiểm soát được dịch bệnh cúm gia cầm, từ nay đến Tết Nguyên đán, đàn gia cầm sẽ không ảnh hưởng gì và giá cả sẽ ổn định. Hai tỉnh Nam Định và Nghệ An đã để xảy ra dịch là do tiêm phòng cho đàn gia cầm chậm, hệ thống kiểm soát phát hiện dịch bệnh không phản ứng nhanh. Tuy nhiên, đại diện Sở NN&PTNT các địa phương lo lắng vì từ nay đến cuối năm, nhu cầu vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm rất lớn nên nguy cơ lây lan, phát tán khi có ổ dịch ra toàn khu vực rất cao.
So với năm 2009, năm nay, số địa phương xuất hiện dịch cao hơn, trong đó có đến 11 tỉnh xuất hiện dịch 2 năm liền. Nguyên nhân là do chính quyền và người dân các địa phương còn chủ quan, lơ là chưa thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch theo quy định; sự phối hợp giữa chính quyền với ngành chức năng còn yếu, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng; vận chuyển gia cầm trái phép qua biên giới chưa được kiểm soát triệt để...
Cục Thú y yêu cầu, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống dịch bệnh, các địa phương cần chủ động và quyết liệt xử lý ổ dịch sớm, ngăn chặn dịch lây lan. Cục đang chỉ đạo các địa phương tiêm phòng đợt 2 năm 2010.
Phun thuốc phòng dịch cúm gia cầm tại huyện Thanh Oai. Ảnh: Bá Hoạt |
Tại Hà Nội, một trong những địa phương có đàn gia cầm lớn nhất cả nước (khoảng 17 triệu con) với nhiều đầu mối buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, TP đã chủ động tăng cường các biện pháp kiểm dịch động vật, giám sát chặt tình hình đàn gia súc, gia cầm. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y Hà Nội đã tiêm vắcxin phòng bệnh được khoảng 20 triệu liều; thường xuyên tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tập trung nơi có nguy cơ cao như khu chăn nuôi mật độ lớn, trang trại, gia trại, chợ, điểm giết mổ… Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ vắcxin (tháng 12 tiếp tục tiêm khoảng 300 nghìn liều); thuốc sát trùng (40 tấn) và vật tư phòng chống dịch. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, một trong những khó khăn cho phòng, chống dịch cúm gia cầm hiện nay là tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung (quy mô chăn nuôi gia cầm của Hà Nội có tới 65% là nhỏ lẻ).
Trong khi đó, Cục Thú y cho biết, dịch lở mồm long móng đang diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước. Đến hôm qua (3-12) đã có 12 tỉnh là Đắc Lắc, Sơn La, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Gia Lai, Phú Yên, Bắc Ninh, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Ninh, Lạng Sơn và Bắc Kạn có dịch lở mồm long móng. Trong khi đó vẫn còn 5 tỉnh Khánh Hòa, Đắc Lắc, Cà Mau, Ninh Thuận và Thanh Hóa có dịch lợn tai xanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.