(HNM) - Thêm một lần nữa, dư luận xã hội lại tập trung sự chú ý vào các vấn đề liên quan đến vụ việc ở Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Chính phủ đã có báo cáo giải trình tại Quốc hội. Thủ tướng cũng đã thẳng thắn nhận: Thực trạng của Vinashin có trách nhiệm của Chính phủ, các bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu.
Cho đến bây giờ, chắc chắn không cần nói thêm về thực trạng cũng như hậu quả nặng nề của "vụ đắm thuyền Vinashin" nữa. Sau sự kiện này, dư luận vẫn quen gọi là "giải cứu" Vinashin, nhưng nói như TS Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thì thực chất Vinashin đã phá sản, chỉ có điều phá sản không tuyên bố, và đây là một "hình thức phá sản đặc thù của Việt Nam". Điều dư luận đặc biệt quan tâm lúc này chính là xác định trách nhiệm, phân tích mổ xẻ nguyên nhân để từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm, tránh lặp lại "kịch bản" Vinashin, đồng thời cũng để tìm giải pháp tốt nhất "trục vớt", sửa chữa "siêu tàu thủy" này.
Có một điều dễ thấy là chỉ trong khoảng hai năm sau khi được thành lập, tức là tới năm 2008, Vinashin đã rơi vào tình trạng nợ nần, các cảnh báo về một vụ "đắm thuyền" đã được đưa ra, nhưng tiếc là các hoạt động giám sát, điều hành đã chưa được thực hiện rốt ráo. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, từ năm 2005 đến năm 2010, đã có tới 15 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Vinashin, trong đó có cả kiểm toán quốc tế. Có những kết quả thanh tra, kiểm tra đã phát hiện yếu kém của Vinashin như thanh tra tài chính phát hiện Vinashin khó khăn về vốn, thanh tra Bộ Kế hoạch - Đầu tư phát hiện đầu tư dàn trải và đã có nhiều kiến nghị... Tuy nhiên, dù có thanh tra, kiểm tra nhưng đơn vị không thực hiện, song chúng ta cũng không có cơ chế phúc tra xem đã thực hiện kết luận thanh tra thế nào. Cũng từ sự thiếu giám sát, lỏng quản lý ấy nên trong cả một thời gian dài Vinashin liên tục báo cáo gian dối để lấp liếm sai phạm. Kiểm tra nói "lỗ", nhưng Vinashin cố tình báo "lãi" mà không có cơ quan chịu trách nhiệm chính thức để thẩm định. Đáng chú ý nữa là việc có nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra cùng vào cuộc, nhưng không có quy định cơ quan nào làm toàn diện, cơ quan nào làm chuyên ngành. Thanh tra tài chính khi vào cuộc cũng chỉ làm về vốn, thanh tra kế hoạch - đầu tư kiểm tra về đầu tư. Thậm chí cả khi thanh tra phát hiện có sai phạm, nhưng lãnh đạo Vinashin vẫn cố tình làm sai, bao biện mà chẳng có cơ quan nào thẩm định, giám sát việc chấp hành nghiêm kết luận. Chính Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền, khi trả lời báo chí cũng thừa nhận chưa có cơ chế giám sát việc chấp hành kết luận thanh tra. Thậm chí "Thủ tướng kết luận rồi họ không làm cũng không sao (!?). Do không có phúc tra, họ chấp hành không nghiêm kết luận thanh tra thì cũng không làm gì được. Nên nhiều khi sai phạm cứ kéo dài, lặp đi lặp lại".
Trong khi đó, một đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đặt vấn đề "có sự nuông chiều từ Chính phủ". Sai phạm của Vinashin đã rõ, nhưng "con hư tại mẹ", có sự nuông chiều, dễ dãi của các bộ, ngành và Chính phủ. Nếu không, làm sao trong khi đang thí điểm, chỉ 4 năm mà Vinashin có thể vay và nợ tới 86.000 tỷ đồng?
Có thể nói, mỗi ngành, mỗi cấp đều đã được pháp luật phân định rõ quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ. Từ Chính phủ đến ngân hàng, rồi kế hoạch đầu tư, tới cơ quan thuế, kiểm toán… tất cả đều có những vai trò nhất định trong giám sát, điều tiết các hoạt động của doanh nghiệp. Một khi các chức trách ấy được vận hành đúng quy trình chắc chắn sẽ cho ra đời sản phẩm chất lượng tốt. Nhưng tiếc là đã có những con dấu, những chữ ký, những cái gật đầu thẩm định chưa thực sự đúng lúc, đúng việc. Và người ta vẫn cứ đổ thừa rằng: Tại cơ chế! Sự thật vẫn là sự thật. Đằng sau sự chìm tàu Vinashin là sự lơ là, thiếu trách nhiệm của một loạt cơ quan có thẩm quyền.
Cơ chế đúng hay không cũng do chính con người. Sai phải sửa. Từ vụ việc Vinashin cho thấy chúng ta còn có những "lỗ hổng" trong tư duy trách nhiệm. Sẽ vẫn có những cá nhân, những cơ quan có thẩm quyền bất an khi vụ việc này chưa kết thúc cũng đơn giản bởi họ chưa đủ can đảm nhận trách nhiệm và sửa sai. Và khi còn chưa rành mạch chuyện trách nhiệm trong quản lý, có lẽ không ai dám chắc chắn một vụ Vinashin không lặp lại. Thậm chí, nếu thiếu một sự dũng cảm, thiếu một sự công bằng thì ngay cả việc cứu con tàu Vinashin cũng khó khăn chứ đừng nói không lan truyền đến các con tàu khác!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.