(HNM) - Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về tình hình phòng, chống tham nhũng năm 2013 gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho thấy, có một số bất cập trong công tác giải quyết án tham nhũng đã tồn tại nhiều năm nay.
Hầu hết vụ bị kéo dài, không xử lý dứt điểm đều do người có chức, có quyền tham gia với thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện... Đáng tiếc là các giải pháp khắc phục cơ quan này đề xuất không có nhiều điểm mới. Đơn cử như kiến nghị "Xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, vô cảm, thu hồi triệt để tài sản thất thoát. Phải giám sát chặt chẽ quy trình xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm" là vấn đề đã được đề cập trong hầu hết báo cáo của ngành thanh tra nhưng lại thiếu giải pháp triển khai cụ thể.
Trên thực tế, lỗ hổng lớn của Bộ luật Hình sự Việt Nam là chưa coi hành vi làm giàu bất hợp pháp là tội phạm, để có cơ sở xử lý cho dù Việt Nam đã tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và Điều 20 của công ước đã quy định vấn đề hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Thế nên, khi có tin báo từ công dân về tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ và nghi ngờ số tài sản đó là do nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn mà có thì lúc này, cơ quan điều tra có thẩm quyền xác minh, nếu xác định có dấu hiệu tội phạm thì sẽ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tuy nhiên, việc chứng minh tài sản bất minh trong nhiều trường hợp rất khó khăn bởi tiền do giao dịch phi pháp sẽ không dễ để tìm ra chứng từ, biên nhận. Do đó, dù tài sản của cán bộ, công chức tăng đột biến và dẫu người bị tố cáo không giải thích được một cách hợp lý về nguồn gốc số tài sản thì cũng khó có thể kiểm chứng lời khai để có cơ sở làm rõ.
Một bất cập nữa khiến việc xử lý tham ô, hối lộ khó triệt để đó là, không ít hành vi ở các nước tiên tiến coi là tham nhũng, có chế tài xử lý thích đáng nhưng pháp luật Việt Nam lại không coi là tham nhũng cho dù đã coi là tội phạm như đưa và môi giới hối lộ, xâm phạm hoạt động tư pháp... Trong khi ngày càng có nhiều hành vi tham nhũng, rửa tiền, phạm tội kinh tế "lách" dưới dạng này. Những bất cập đó đòi hỏi cần thiết sửa đổi, bổ sung vào Bộ luật Hình sự nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh loại tội phạm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.