Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Lỗ hổng" của những hiệu vàng

Theo Báo CAND| 16/04/2012 11:52

Ngay sau khi vụ việc xảy ra tại tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu ở địa chỉ 347-349 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng này giật mình vì sự việc tưởng chừng như đơn giản hoá ra lại thành lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng.


Cơn sốt vàng đã đẩy giá vàng trên thế giới và trong nước liên tiếp lập kỷ lục mới cũng khiến tội phạm liên quan đến kim loại quý này gia tăng. Nhiều vụ án mạng đau lòng đã xảy ra. Tuy nhiên, gần đây lại xuất hiện những đối tượng lợi dụng cửa hàng vàng đông khách trà trộn vào dùng hoá đơn giả mua hàng, hay dùng “ảo thuật” để lấy vàng, trong đó có vụ việc vừa xảy ra tại cửa hàng vàng bạc, đá quý Bảo tín Minh Châu gây hoang mang dư luận. Vậy làm thế nào để ngăn ngừa tội phạm này dù có camera hay những thiết bị an toàn nắp đặt giám sát.

Giật mình với các thủ thuật lừa vàng

Ngay sau khi vụ việc xảy ra tại tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu ở địa chỉ 347-349 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng này giật mình vì sự việc tưởng chừng như đơn giản hoá ra lại thành lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng.

Các đối tượng lừa đảo bị camera tại các cửa hiệu ghi lại.


Theo đó, vào lúc 11h50 ngày 7/4, tại cửa hàng có địa chỉ trên, xuất hiện một nam thanh niên cao khoảng 1m65, mặc áo khoác màu xanh đen, đầu đội mũ lưỡi trai mềm màu xanh tím than đen sọc, có viền trắng 2 bên mũ đến giả làm khách mua hàng. Sau đó, gã thanh niên này dừng tại quầy trả hàng và chìa ra tờ hóa đơn mua bán hàng đóng dấu đã thu tiền.

Nội dung tờ hóa đơn không đề tên người mua bán hàng và chỉ in tên hàng là loại vàng miếng 10 chỉ, với số lượng 40 chỉ, thành tiền là 167,4 triệu đồng. Sau khi xem hóa đơn, nhân viên cửa hàng xuất cho khách 4 cây vàng. Khi vị khách lạ đi khỏi, nhân viên công ty mới phát hiện hóa đơn kia là giả.

Để tránh các vụ lừa đảo tương tự, các chủ tiệm vàng cần cập nhật các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới của các đối tượng để có biện pháp phòng, tránh. Nếu phát hiện các đối tượng có hành vi tương tự, cần bí mật báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời bắt giữ đối tượng.

Ngày 12/12/2011, tại cửa hàng vàng Hoàng Đức, địa chỉ ở 75 Chi Lăng, phường Phú Cát, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công an tỉnh đã bắt giữ hai đối tượng Huỳnh Văn Khang và Huỳnh Thanh Sang khi các đối tượng này gạ bán 1 bao bột “cám heo vàng” trọng lượng 16kg với giá 330 triệu đồng.

Để qua mặt chủ cửa hàng vàng, bọn chúng giới thiệu “cám heo vàng” là sản phẩm gồm bụi, chất thải tạo ra khi thợ kim hoàn sản xuất, đánh bóng các sản phẩm từ kim loại vàng có chứa tỷ lệ vàng cao bán với giá rẻ. Nhưng thực chất là các bao chất bột dùng để đánh bóng đồ đồng, không có chứa vàng. Khi chủ cửa hàng vàng lấy một ít ra để phân kim nhằm kiểm tra tỷ lệ vàng thì chúng bí mật bỏ vào một ít vàng cám làm cho người mua nhầm tưởng và đồng ý mua.

Mở rộng điều tra, cơ quan Công an đã bắt được 6 đối tượng liên quan với thủ đoạn tương tự. Chúng đã đến tiệm vàng Bội Linh, phường Phú Bài, huyện Hương Thuỷ (Thừa Thiên - Huế) để lừa bán cho chủ tiệm bao bột 10kg có đặc điểm như trên chiếm đoạt 5 cây vàng SIC, 1.000 USD và 110 triệu đồng. Còn 8 vụ khác xảy ra ở các tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk, Bình Thuận, Vĩnh Long, Đồng Nai, Cần Thơ, Tiền Giang, bọn chúng đã chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.

Cần phòng ngừa tốt, cảnh giác cao

Hiện nay, các cửa hàng vàng bạc đang là “con mồi” nhắm tới của bọn tội phạm. Đối với những kẻ có “số má” thì chúng chọn con đường táo tợn hơn là dùng hung khí khống chế, đe dọa, thậm chí sát hại chủ hiệu vàng để cướp tài sản. Nhiều kẻ chọn cách giả vờ hỏi mua vàng để cướp giật. Nhưng hiện nay, những đối tượng “khôn ngoan” hơn chọn cách lừa đảo các tiệm vàng. Vì độ an toàn cao hơn, bởi khi chủ tiệm vàng phát hiện ra trò lừa đảo thì bọn tội phạm đã “cao chạy xa bay”…

Thời gian gần đây, rất nhiều vụ án đã xảy ra tại các cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý nên nhiều nơi cũng cẩn thận hơn trong việc lắp camera, thiết bị báo động… Tuy nhiên để đối phó, các đối tượng có lẽ đã nghiên cứu kỹ phương thức nên lại nghĩ ra nhiều “chiêu trò” hơn.

Chẳng hạn, trong vụ lừa ở hiệu vàng thuộc Công ty Bảo Tín Minh Châu, đối tượng đã lợi dụng lúc người mua, người bán tấp nập. Có lẽ vì vậy, nhân viên bán hàng đã không chú ý xem xét cẩn thận hóa đơn mà cứ nghĩ người mua đã trả tiền nên đưa vàng cho đối tượng.

Theo đề nghị của Cục Cảnh sát hình sự, lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thành phố, thị xã kịp thời phổ biến cho Công an cơ sở thông báo cho quần chúng nhân dân biết các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo vàng để phòng ngừa, chủ động phát hiện, tố giác tội phạm.

Khi phát hiện đối tượng có đặc điểm và phương thức thủ đoạn tương tự, các đơn vị cần tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để lập án đấu tranh và thông báo cho địa phương từng xảy ra vụ việc biết để phối hợp điều tra. Đồng thời đề nghị các cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý, ngân hàng, quỹ tiết kiệm tuân thủ nghiêm các quy định phòng ngừa như lắp camera an ninh, còi báo động và tuyển nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp…

Đối với địa bàn Hà Nội, số điện thoại của Đội Chống tội phạm trên tuyến, địa bàn, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, địa chỉ số 7, phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng: 04.39396465 hoặc Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, địa chỉ 55 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm: 04.39396500 luôn trực 24/24 giờ để xử lý thông tin. Vì vậy, khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo, cướp hiệu vàng, ngân hàng, quỹ tiết kiệm, đề nghị người dân cần thông báo ngay.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Lỗ hổng" của những hiệu vàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.