Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lỗ hổng công chứng tư

Quỳnh Nhi| 17/04/2010 04:59

(HNM) - Cái chết bất thường của một trưởng văn phòng công chứng tư vừa qua làm dư luận xôn xao, vì sau đó đã lộ ra mánh khóe tinh vi của một vụ phạm pháp hình sự từ các đối tượng làm giả tài liệu, con dấu, chữ ký rồi đem đi công chứng. Sự việc này là một tiếng chuông cảnh báo về chất lượng thẩm định văn bản và công tác quản lý hiện nay đối với các văn phòng công chứng tư.

Sau gần 3 năm triển khai thí điểm xã hội hóa công chứng, không phải đến bây giờ lỗ hổng trong vận hành và quản lý hoạt động của công chứng tư mới bộc lộ. Chính ngay từ khi Luật Công chứng có hiệu lực (ngày 1-7-2007), việc phát triển quá "nóng" với hàng loạt văn phòng được thành lập đã khiến cho các nhà quản lý giật mình, thậm chí có nơi phải tạm ngừng cấp phép. Tăng mạnh về số lượng với một loại hình mới còn đang thí điểm, nhưng thiếu sự điều chỉnh kịp thời từ phía các cơ quan quản lý nhà nước nên hoạt động của nhiều văn phòng công chứng bộc lộ khá nhiều bất cập. Biểu hiện cạnh tranh là điều dễ nhận thấy ở các văn phòng công chứng. Nhưng cũng chính vì cạnh tranh không lành mạnh mà nhiều bất ổn phát sinh. Như chuyện thu phí dịch vụ theo thỏa thuận, vì cạnh tranh nên có chỗ cao ngất ngưởng, chỗ khác lại thấp đến bất ngờ, làm méo mó sự thống nhất và minh bạch cần phải có của hoạt động này. Đáng chú ý hơn là chất lượng công chứng thấp do trình độ thẩm định, nghiệp vụ của một số công chứng viên yếu kém và không đồng đều. Sự dễ dãi trong thẩm định hồ sơ dẫn tới tình trạng công chứng ẩu, công chứng sai. Thiệt thòi cuối cùng vẫn là người dân phải chịu, ngoài việc chấp nhận móc túi trả phí cao thì có khi còn dở mếu dở cười khi hồ sơ bị từ chối ở văn phòng này lại được chấp nhận ở văn phòng khác, hoặc khi bản công chứng bị cơ quan chức năng phủ nhận.

Có thể thấy, xã hội ngày càng phát triển, các phát sinh trong quan hệ dân sự nhiều lên một phần cũng vì thiếu những hoạt động kiểm định sự rõ ràng có tính pháp lý như công chứng, chứng thực. Chính vì thế, việc ra đời loại hình công chứng tư được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết được nhu cầu của người dân. Nhưng tiếc là lĩnh vực này đang bộc lộ nhiều điểm yếu. Tình trạng làm giả giấy tờ rồi công chứng xuất hiện có mang tính hệ thống không chỉ là tiền đề của mất ổn định xã hội, mà còn gây cản trở và ảnh hưởng lớn đến uy tín và chất lượng hoạt động của các văn phòng công chứng.

Đã đến lúc chúng ta cần rà soát lại các cơ chế quản lý với loại hình này. Không thể quản lý đơn giản kiểu nếu văn phòng công chứng hoạt động không hiệu quả thì giải thể như một doanh nghiệp, vì tính chất đặc thù của hoạt động công chứng dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp. Bắt buộc phải làm lành mạnh hóa hoạt động của văn phòng công chứng, giảm tính cạnh tranh không lành mạnh, vì kết quả hoạt động công chứng có ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều quan hệ xã hội và giao dịch khác phát sinh sau nó. Văn phòng công chứng dù là tư thì cũng là thừa hành nhiệm vụ công, tức là mang sứ mệnh công vụ nên không thể coi trọng yếu tố kinh doanh mà phải thượng tôn pháp luật, có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Có như thế mới có thể ngăn chặn nạn giả mạo chứng từ, hồ sơ, làm lành mạnh các quan hệ giao dịch và ổn định xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lỗ hổng công chứng tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.