(HNM) - Dự án cải tạo đường công vụ bờ phải sông Tô Lịch đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến Cầu Giấy được khởi công ngày 24-8-2010, dự kiến đến ngày 5-10-2010 sẽ hoàn thành đường, vỉa hè, cây xanh, hệ thống chiếu sáng đoạn từ cầu Dịch Vọng đến Cầu Giấy; thi công xong tường chắn, lan can, cống dọc thoát nước đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến cầu Dịch Vọng…
Nhưng đến ngày 18-11-2010, quá mốc hẹn đến hơn 40 ngày, đoạn đường dài chưa đầy 2km này vẫn ngổn ngang, chưa một hạng mục nào hoàn thành. Lòng đường còn bị khoét sâu hàng mét, người dân phải đi lại trên một đoạn bờ thành chênh vênh, xe cộ có thể bị tụt xuống hố sâu bất cứ lúc nào. Hệ thống cống thu gom nước thải sinh hoạt ngay trước cửa nhà dân bị đào bới từ nhiều ngày nay, như dãy hào sâu ngăn cách nhà với đường, khiến việc dắt xe ra vào vô cùng khó khăn, gây nguy hiểm cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Nhiều nhà phải tự kê ván, tấm bê tông, thậm chí xếp cả cành cây khô để lấy đường vào nhà. Việc buôn bán, kinh doanh cũng bị ngừng trệ...
Đường bờ phải sông Tô Lịch (đoạn Dịch Vọng, Cầu Giấy) còn ngổn ngang. |
Theo báo cáo của chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án thoát nước - Sở Xây dựng (BQL DA), tính đến ngày 15-11-2010, đơn vị thi công mới hoàn thành được 552/1.366m lan can, 1.222/1.366m tường chắn phía bờ sông; thi công nền và các lớp kết cấu móng mặt đường là 560/1.887m; lắp đặt đường ống và hạ ngầm hệ thống cáp điện, thông tin mới được hơn một phần ba… Việc chậm tiến độ này có nguyên nhân chính là do sự chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, từ ngày 17-9-2010 đến nay mới chỉ thu hồi được mặt bằng của 8 hộ có công trình, tường rào nằm trong chỉ giới đoạn từ cầu Dịch Vọng đến Cầu Giấy (?). Một vấn đề khác cũng đáng chú ý là chuyện dựng cột điện lực trên vị trí đường mới làm. Nếu trong báo cáo ngày 17- 9 mới chỉ có 12 cột điện lực được lắp trên nền đường mới, cần bổ sung phương án di chuyển, hạ ngầm thì hai tháng sau, số cột điện này đã lên đến 32 cột. Chẳng biết sự phối hợp giữa các ngành chức năng như thế nào mà bên điện lực cứ lắp cột, còn bên làm đường cứ chạy theo xin bổ sung kinh phí di chuyển. Chưa kể vỉa hè phía nhà dân mấy lần bị đào lên, lấp xuống, đặt đường dây xong, bên thi công rãnh thoát nước thải dân sinh lại đào lên xây rãnh. Mặt đường đã thảm nhựa lại bị máy xúc cắt ngang để đặt cống!
Còn theo ông Phạm Văn Cường - Giám đốc BQL DA thoát nước thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm tiến độ là trong khi đào nền đường, đơn vị thi công đã phát hiện nhiều đường cáp không có trong hồ sơ thiết kế. Cụ thể là 8 đường cáp ngầm trung thế điện áp 24kV có cao độ đặt cáp khác nhau; khu vực từ Bưu điện trung ương đến Cầu Giấy có nhiều đường cáp thông tin quan trọng. Tất cả các đường cáp trên không thể di chuyển nên trong quá trình đào nền đường, công nhân phải đào thủ công kết hợp máy xúc, lên phương án bảo vệ các công trình ngầm. Một số nguyên nhân khách quan khác cũng có thể kể đến như việc cấm vận chuyển đất đá trong nội thành, cấm ô tô tải hoạt động trong dịp Đại lễ, không được cắt điện để phục vụ những sự kiện quan trọng…
Hiện nay, trên chiều dài 1.922m từ đường Hoàng Quốc Việt đến Cầu Giấy, các nhà dân trong diện GPMB đã phá dỡ xong, công trình còn lại duy nhất là trạm biến áp Cầu Giấy 7, do Điện lực Cầu Giấy quản lý. Đơn vị thi công đã có phương án di chuyển trạm biến áp này, việc còn lại là sự phối hợp đồng bộ của cơ quan chủ quản.
Dự án cải tạo đường công vụ bờ phải sông Tô Lịch là một phần trong dự án thoát nước Hà Nội, sử dụng vốn ODA của Nhật Bản, được tư vấn Nippon giám sát chặt chẽ. Lẽ ra công trình này chưa thể thi công do vướng GPMB, đối tác chưa rót vốn song với quyết tâm nâng cao chất lượng sống cho nhân dân Cầu Giấy, lãnh đạo thành phố đã hơn một lần kiên quyết chỉ đạo hoàn thành đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến Cầu Giấy và lấy vốn từ kinh phí của thành phố. Nhà thầu thi công cũng đã được quán triệt ý nghĩa của việc thi công đoạn đường này. Thế nhưng thực tế hiện trường cho thấy, cứ tiến độ này, không biết đoạn đường chưa đầy 2km này có hoàn thành được vào dịp Tết Nguyên đán năm nay?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.