Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lỗ giả, lãi thật?

Hương Ly| 02/03/2012 06:49

(HNM) - Theo Tổng cục Thuế, cả nước hiện có gần 1.400 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) đang hoạt động nhưng có tới 56% DN kê khai lỗ, hầu hết báo cáo lỗ 3 năm liên tục.

* Báo động tình trạng chuyển giá, gây thất thu cho ngân sách nhà nước
* Bộ Tài chính nỗ lực nâng cao năng lực quản lý thuế

(HNM) - Theo Tổng cục Thuế, cả nước hiện có gần 1.400 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) đang hoạt động nhưng có tới 56% DN kê khai lỗ, hầu hết báo cáo lỗ 3 năm liên tục. Trong khi các DN FDI báo lỗ nặng nhưng vẫn không ngừng mở rộng SXKD tại Việt Nam thì khối DN trong nước cùng ngành nghề vẫn có lãi.

Vậy có hay không hoạt động chuyển giá tại khối DN FDI trong những năm gần đây? Hoạt động này diễn ra như thế nào và phải làm gì để nhận diện hành vi này nhằm hạn chế tình trạng thất thu NSNN? Đây là những vấn đề được thảo luận tại hội thảo "Quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá" do Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 1-3 tại Hà Nội.

56% trong số gần 1.400 doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, hầu hết báo cáo lỗ 3 năm liên tục. Ảnh: Chí Lâm


Chuyển giá không chỉ là gian lận

Với chủ trương khuyến khích, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Chính phủ, một lượng lớn vốn FDI đã liên tiếp đổ vào Việt Nam trong những năm gần đây. Nguồn vốn FDI đã đóng góp đáng kể vào việc tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% giá trị xuất khẩu và khoảng 20% GDP. DN FDI cũng tạo ra những tác động tích cực nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý; đồng thời tạo ra nhiều việc làm cho lao động.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành thuế đã phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường trong hoạt động kinh doanh của khối DN này. Thống kê cho thấy, vào thời điểm năm 2009, cả nước có tới 760/1.358 DN FDI kê khai lỗ. Trong đó, hầu hết DN báo lỗ 3 năm liên tục (từ 2007-2009). Tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 3.500 DN FDI đang hoạt động nhưng nhiều năm qua, gần 60% số DN này thường xuyên báo lỗ. Tỉnh Lâm Đồng có tới 104/111 DN báo lỗ và 50% DN báo lỗ liên tiếp từ 2006-2010. Khảo sát cho thấy, khối DN FDI thua lỗ tập trung tại các ngành nghề: gia công may mặc, da giày, SXKD chè xuất khẩu, công nghiệp chế biến. Trong khi đó, khối DN trong nước hoạt động cùng lĩnh vực đều có lãi. Điều đáng quan tâm là, mặc dù báo thua lỗ triền miên, song các DN FDI vẫn không ngừng mở rộng SXKD.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, hành vi chuyển giá thường được DN thực hiện qua hình thức góp vốn đầu tư; chuyển giao công nghệ và chuyển giao nguyên vật liệu, hàng hóa; chuyển giá qua cung cấp dịch vụ và chi trả lãi vay vốn SXKD. Sử dụng các phương thức chuyển giá nêu trên, các DN FDI đã tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế tại Việt Nam, qua đó tối đa hóa lợi nhuận, gây thất thu cho NSNN. Hành vi chuyển giá đã khiến DN Việt Nam không thể cạnh tranh với họ, thậm chí sẽ dần bị thôn tính, phá sản, trong khi DN FDI sẽ dần thống lĩnh thị trường nội địa và trở nên độc quyền.

Áp dụng mức giá thỏa thuận để chống gian lận

Trên thực tế, khung pháp lý đầu tiên cho việc xử lý thuế với hành vi chuyển giá đã được quy định tại Thông tư số 74/1997 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài. Từ năm 1997 đến 2005, chính sách này liên tục được bổ sung, hoàn thiện. Song với độ tinh vi của DN hiện nay, những quy định này đang bộc lộ nhiều bất cập trong việc xác định mối quan hệ liên kết giữa công ty mẹ, công ty con; xác định mức giá thị trường.

Khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 66/2010, công tác quản lý thuế đã chuyển biến rõ nét. Năm 2011, ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra tại 50.276 DN, truy thu, truy hoàn và phạt 7.582 tỷ đồng; giảm khấu trừ thuế qua thanh tra, kiểm tra 567 tỷ đồng; giảm lỗ qua thanh tra, kiểm tra 11.021 tỷ đồng. Thanh tra chống chuyển giá tại 921 DN có dấu hiệu chuyển giá, đã xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng, truy thu thuế và phạt 1.669 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức xử phạt quá nhẹ, không đủ nghiêm để răn đe và bản thân tính chất phức tạp của hoạt động chuyển giá vẫn đang tạo ra những thách thức lớn cho ngành thuế.

Để ngăn chặn hành vi này, hơn 40 quốc gia trên thế giới có quy định về chuyển giá đã áp dụng thủ tục thỏa thuận trước về giá (Advance Pricing Agreement-APA). Đây là thỏa thuận giữa người nộp thuế và cơ quan thuế về phương pháp xác định giá với giao dịch liên kết trong một khoảng thời gian nhất định. Mức giá này do DN tự đề xuất và thường được áp dụng trong trường hợp khó xác định mức giá thị trường. Một số quốc gia như Australia, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc... đã thành lập bộ phận chuyên trách quản lý thuế với hoạt động chuyển giá do những cán bộ có kinh nghiệm đảm trách. Cơ quan này có nhiệm vụ thanh tra những lĩnh vực kinh tế cơ bản như ngân hàng, năng lượng, dược phẩm, tài chính, hóa chất, đặc biệt là khối các DN lớn, DN vừa và nhỏ.

Để khắc phục tình trạng thất thu NSNN qua hành vi chuyển giá, thời gian qua Bộ Tài chính đã nỗ lực nâng cao năng lực quản lý thuế. Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2011, Bộ đã kiến nghị với Quốc hội thông qua dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế, với 3 nội dung chính gồm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế, chống thất thu NSNN nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng; tập trung thanh tra, kiểm tra thuế với khoảng 15-20% số DN đang hoạt động kinh doanh; phối hợp với các bộ, ngành nâng cao hiệu quả quản lý DN và thu thuế hiệu quả. Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, việc gấp rút đào tạo lực lượng cán bộ thuế đủ kinh nghiệm là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Bởi mỗi cán bộ thuế phải có tối thiểu 3-5 năm kinh nghiệm quản lý thuế tại DN, có năng lực và trình độ tương đương và hơn kế toán trưởng của DN mới đủ khả năng phát hiện những dấu hiệu vi phạm, đặc biệt là hành vi chuyển giá.

Tổng cục Thuế vừa thành lập Tổ Quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá nhằm nghiên cứu các dấu hiệu chuyển giá của DN, đề xuất giải pháp quản lý và soạn thảo quy trình thanh tra, kiểm tra thuế đối với hoạt động này. Với những nỗ lực của ngành thuế trong học hỏi kinh nghiệm chống chuyển giá, tình trạng thất thu NSNN sẽ được giảm thiểu, góp phần tạo thêm nguồn lực để phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lỗ giả, lãi thật?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.