(HNM) - Ngày 29-6-2010, UBND TP Hà Nội có Chỉ thị số 15 về việc tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn.
Hành lang đê tả Đáy (địa bàn xã Viên Nội) biến thành ao do bị lấy đất nung gạch.
Theo đó, đến quý IV-2010, nếu các cơ sở sản xuất gạch, ngói bằng lò thủ công tiếp tục vi phạm quy định thì UBND các quận, huyện, thị xã kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế, giải tỏa. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện chỉ thị của UBND thành phố, trên địa bàn huyện Ứng Hòa mới chỉ có hai chủ lò (tại xã Kim Đường) tự tháo dỡ. Hiện tại, toàn huyện vẫn còn 58 lò sản xuất gạch bằng phương pháp thủ công, trong đó 15 lò đã bị xử lý hành chính nhưng chủ lò chưa tự tháo dỡ. Tình trạng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là hành lang an toàn đê sông Đáy.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi ghi nhận trên địa bàn huyện Ứng Hòa có xã Cao Thành và xã Viên Nội "đứng đầu bảng" về số lượng lò gạch thủ công. Mỗi xã còn trên dưới 10 lò gạch thủ công với hàng trăm lao động, ngày đêm khai thác đất, nung đốt gạch ngay dưới chân đê tả Đáy. Đáng nói là, để có đủ nguyên liệu sản xuất gạch, một số chủ lò đã không ngần ngại khai thác đất sâu quá mức quy định từ 3 đến 4m ngay tại hành lang đê khiến cho chỉ trong một thời gian ngắn hàng trăm mét hành lang đê tả Đáy đã biến thành những cái ao sâu hoắm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu, độ an toàn của đê, rất dễ gây lún sụt trong khi mưa bão.
"Chính quyền địa phương đã có biện pháp gì nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng lò gạch hoạt động gây ảnh hưởng môi trường và hành lang an toàn đê tả Đáy?" - Trước câu hỏi trên của chúng tôi, ông Trương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Viên Nội trả lời: "Các chủ lò thường múc đất vào ngày nghỉ và đêm khuya… Việc xử lý vi phạm không thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của UBND xã!" (?).
Được biết, thực hiện Chỉ thị số 15 của UBND TP Hà Nội, từ tháng 6 đến tháng 12-2011, cơ quan chức năng huyện Ứng Hòa đã kiểm tra, lập biên bản đình chỉ sản xuất đối với những lò gạch hoạt động trái phép. Đến tháng 6-2012, UBND huyện ra văn bản đôn đốc, chỉ đạo chính quyền các địa phương nhanh chóng có biện pháp xử lý những trường hợp đốt gạch gây ô nhiễm môi trường, yêu cầu chủ lò tự tháo dỡ, san lấp lại mặt bằng đã bị khai thác đất trái phép để đốt lò gạch. Song, hầu hết các địa phương thực hiện còn mang tính hình thức, giải quyết chiếu lệ cho xong. Cụ thể tại xã Cao Thành, địa phương có đến 9 lò gạch hoạt động không có giấy phép, sau rất nhiều lần chính quyền tổ chức lập biên bản, yêu cầu chủ lò cam kết dừng hoạt động, tự tháo dỡ nhưng tình trạng khai thác đất và đốt gạch trái phép vẫn không hề giảm. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết nguyên nhân chính là do xã không đủ thẩm quyền để tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ. Bên cạnh đó, do các chủ lò đã đầu tư nhiều tiền bạc để xây lò sản xuất gạch, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương nên cần có thời gian để chuyển đổi sang mô hình sản xuất mới…
Với tình trạng trên, không biết đến bao giờ chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công của UBND TP mới được các địa phương ở huyện Ứng Hòa thực hiện nghiêm túc, triệt để? Thực trạng này đã và đang gây bức xúc dư luận, rất cần sự "vào cuộc" xử lý một cách quyết liệt của cấp thẩm quyền, trước hết là UBND huyện Ứng Hòa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.