(HNM) - Theo báo cáo kết quả đợt 1 rà soát 15 dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hầu hết đều chậm tiến độ, thiếu công trình hạ tầng xã hội.
Dự án KĐT Nam An Khánh và Nam An Khánh phần mở rộng phía nam có quy mô 234,4ha do Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư được phê duyệt, triển khai từ trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có công trình công cộng, trường học nào được đầu tư xây dựng, mặc dù theo quy hoạch có 5,1ha dành xây dựng trạm y tế, công trình văn hóa, thể thao, trụ sở chính quyền, công an…; khoảng 3,1ha đất dành xây trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Về tiến độ dự án, do trong văn bản cho phép đầu tư (từ năm 2004) không xác định thời hạn thực hiện nên không có cơ sở để xác định có bảo đảm tiến độ hay không, nhưng qua kiểm tra, hiện chưa có công trình nhà ở nào hoàn thành đưa vào sử dụng.
Khu đô thị Nam An Khánh vẫn ngổn ngang sau 10 năm được giao đất. Ảnh: Lê Quân |
Một dự án lớn khác là khu biệt thự, nhà vườn, thể thao và giải trí Tiến Xuân do Công ty TNHH bất động sản Xuân Cầu làm chủ đầu tư, nằm trên địa bàn xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất (trước khi mở rộng địa giới Hà Nội là huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Với quy mô 45ha, khởi công tháng 5-2007, song đến nay chủ đầu tư mới hoàn thành 44/90 biệt thự khu A, trong khi 180 căn nhà vườn tại khu B chưa triển khai và khu C mới san nền được một phần. Mặc dù thời gian dự kiến hoàn thành là tháng 3-2014, nhưng Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, dự án khó có thể bảo đảm được tiến độ kế hoạch. Dự án KĐT Đại Kim - Định Công (quận Hoàng Mai), quy mô 23,6ha, do Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, có tiến độ cho phép thực hiện từ năm 2002 đến năm 2007, nhưng đến nay vẫn còn hơn 3.400m2 đất chưa giải phóng mặt bằng (GPMB); nhiều công trình hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án do nhà đầu tư thứ cấp thực hiện vẫn chưa được triển khai. Do vướng mặt bằng nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật dự án chưa xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh theo quy hoạch; tiến độ dự án chậm nhiều so với mục tiêu ban đầu. Cũng chủ đầu tư này, tại dự án KĐT Cầu Bươu (huyện Thanh Trì) quy mô 19,8ha, chưa có công trình hạ tầng xã hội nào được xây dựng, trong khi tại dự án khu nhà ở Bắc Đại Kim - Định Công, tỷ lệ đất GPMB mới đạt 8% (8.700/110.790m2).
Đáng lưu ý, dự án có yếu tố nước ngoài cũng nằm trong tình trạng thiếu hạ tầng xã hội và chậm tiến độ. Qua kiểm tra, dự án Hà Nội Garden City do Công ty TNHH Berjaya - Handico 12 làm chủ đầu tư còn thiếu công trình y tế, trường học, trụ sở hành chính… và chậm so với tiến độ cho phép (hoàn thành năm 2012). Mặc dù bức xúc về hạ tầng xã hội chưa xảy ra, nhưng với số lượng nhà đã đưa vào sử dụng, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư phải sớm xây dựng các công trình trường học theo quy hoạch.
Một trong những nguyên nhân khiến các dự án KĐT chậm tiến độ, là do thị trường bất động sản rơi vào thời kỳ suy thoái. Bán hàng chậm, khó huy động vốn, có thời điểm ngân hàng ngừng cho vay và lãi suất vay cao nên chủ đầu tư không có khả năng triển khai dự án. Tiếp theo là do GPMB chậm, điển hình cho tình trạng này dự án KĐT Mai Trai - Nghĩa Phủ (Sơn Tây) của Tổng Công ty HUD. Với số vốn 1.224 tỷ đồng, thời gian đầu tư phê duyệt từ 2010 đến 2013, nhưng đến nay còn 24 hộ dân chưa chịu nhận bồi thường phần đất nông nghiệp; 57 hộ dân (hơn 6.400m2 đất) chưa được phê duyệt bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phần đất ở, không đồng ý với giá bồi thường và quy định mới phải thuê tư vấn thẩm định giá bồi thường, hỗ trợ… Nguyên nhân thứ ba là các dự án phải tạm dừng chờ khớp nối, điều chỉnh quy hoạch sau khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Chẳng hạn, dự án KĐT Tiến Xuân của Công ty TNHH MTV Sudico Tiến Xuân, với quy mô 1.253ha, dân số hơn 125.000 người, được chấp thuận đầu tư từ năm 2007, được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch, thu hồi đất và giao đất tháng 2-2008, nhưng đến nay vẫn dừng triển khai, phục vụ rà soát khớp nối quy hoạch theo quy hoạch mới của Hà Nội. Vì vậy, đây cũng là dự án lớn nhất, án binh bất động từ năm 2008.
Bên cạnh các nguyên nhân trên, chủ đầu tư các dự án cũng kiến nghị chính quyền hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án; đầu tư khớp nối các tuyến giao thông; đặc biệt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, hỗ trợ vốn để những người có nhu cầu thực, các chủ đầu tư thực hiện dự án nghiêm túc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ; có chính sách phát triển thị trường bất động sản ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.