Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lo “đầu ra” cho nông sản

Đỗ Hà| 21/10/2011 06:50

(HNM) - Mỗi năm, nông dân (ND) huyện Chương Mỹ sản xuất ra hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm và hàng triệu quả trứng gà, vịt cung cấp ra thị trường.


Chủ trang trại Trịnh Bá Tuấn, xã Tốt Động cho biết, gia đình đang nuôi 7.000 con gà đẻ trứng và gà thịt nhưng chưa ký được hợp đồng tiêu thụ nông sản với tổ chức nào nên toàn bộ phải bán ra thị trường tự do. Năm nay nông sản bán ra liên tục bị tư thương ép giá, trong khi đó giá cả thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... leo thang, rồi dịch bệnh, chưa kể ngân hàng siết chặt vốn vay khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ nặng. Bà Đặng Thị Thủy, chủ trang trại VAC xã Tiên Phương cho biết, mỗi tháng trang trại nhà bà xuất ra thị trường 70 tấn lợn hơi, 300.000 quả trứng gà ra thị trường tự do. Do liên tục bị tư thương ép giá nên nhiều lúc sản xuất không có lãi, thậm chí còn lỗ nếu phải vay vốn ngoài với lãi suất cao; có thời kỳ lợn đến tuổi xuất chuồng nhưng gia đình đành phải để lại nuôi tiếp, chờ giá lên. Đây chỉ là 2 trong tổng số gần 250 chủ trang trại, hộ chăn nuôi lợn, gà quy mô lớn trên địa bàn huyện Chương Mỹ đang chịu nhiều thiệt thòi khi giá "đầu vào" cao, giá nông sản bán ra thấp.


Gia đình anh Nguyễn Văn Hòa, xã Văn Võ nuôi hai vạn con chim cút đẻ, cho hiệu quả kinh tế cao.  Ảnh: Bá Hoạt

Có thể nói, khó khăn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản ở Chương Mỹ là giá nguyên liệu cho sản xuất tăng, trong khi nông sản bán ra không ổn định khiến ND thua thiệt. Hiện toàn bộ nông sản đều là sản phẩm thô, chưa có thương hiệu nên thị trường tiêu thụ mới bó hẹp ở vùng nông thôn dẫn đến lợi nhuận thấp. Bên cạnh đó, do chưa quy hoạch được vùng sản xuất, lập kế hoạch sản xuất nên đa số ND sản xuất theo phong trào; thấy cây, con gì cho lãi là đua nhau sản xuất dẫn đến tình trạng rớt giá khi được mùa. Mong muốn lớn nhất của các chủ trang trại, hộ sản xuất trên địa bàn huyện Chương Mỹ là Hapro thông tin cho ND kỹ năng sản xuất, thị hiếu người tiêu dùng. Qua đó, ký kết các hợp đồng tiêu thụ nông sản, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho ND.

Liên kết tiêu thụ nông sản hàng hóa

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Trần Vũ Lâm cho biết, kỳ vọng lớn nhất của hội nghị xúc tiến thương mại lần này là giúp Hapro được tiếp xúc, kết nối với các chủ trang trại, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, qua đó ký kết các hợp đồng tiêu thụ nông sản. Theo Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn, huyện Chương Mỹ có rất nhiều nông sản có thể đưa vào bán tại chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích của Hapro như Cam Canh, bưởi Diễn, chanh đào, chuối tiêu hồng, thịt gà, lợn, trứng... Tuy nhiên, để nông sản vào được chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích của Hapro phải bảo đảm tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và số lượng phải ổn định. Cũng theo ông Vũ Thanh Sơn, hiện Hapro đã có 35 siêu thị, cửa hàng tiện ích hoạt động tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Mục tiêu đến năm 2015, Hapro sẽ phủ kín các trung tâm mua sắm, siêu thị đến tất cả các huyện ngoại thành Hà Nội. Với hệ thống siêu thị bán lẻ như vậy Hapro sẽ tiêu thụ một lượng nông sản rất lớn. Ngay sau hội nghị này, Hapro sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xuống khảo sát, xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản cho ND Chương Mỹ. Phấn đấu từ nay đến Tết Nguyên đán 2012, Hapro sẽ đưa một số nông sản của Chương Mỹ vào bán tại hệ thống siêu thị như bưởi Diễn, gà thả vườn, trứng gà, bánh đa nem...

Huyện Chương Mỹ cũng cam kết sẽ hỗ trợ ND vay vốn đầu tư sản xuất; quy hoạch vùng sản xuất nông sản tập trung như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, rau an toàn, vùng chăn nuôi... ưu tiên đưa những loại cây, con giống chất lượng, hiệu quả vào sản xuất.

Đồng thời yêu cầu ND chấp hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; tuân thủ quy định trong trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản, thực phẩm.

Huyện Chương Mỹ hiện có 225 trang trại chăn nuôi gà thịt, gà đẻ với quy mô bình quân 8.000 con/lứa; 15 trang trại lợn quy mô 500-2.000 con/lứa; 19.000 con trâu, bò các loại; 1.755ha mặt nước đang nuôi trồng thủy sản; 864,4ha trồng cây ăn quả như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn muộn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lo “đầu ra” cho nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.