(HNM) - TP Hồ Chí Minh đang gấp rút chuẩn bị để Ban Quản lý (BQL) an toàn thực phẩm (ATTP) đi vào hoạt động. Tuy nhiên, dư luận lo ngại về sự chồng chéo trong quản lý lĩnh vực này vì trước đó, các sở, ngành của thành phố liên tiếp triển khai các mô hình quản lý ATTP của riêng mình.
"Mạnh ai nấy làm"
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh), năm 2016 trên địa bàn thành phố đã phát hiện hơn 9.000 trường hợp vi phạm về ATTP. Trong số đó, hơn 3.700 trường hợp bị xử phạt với số tiền trên 14 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng cảnh cáo 484 cơ sở, đình chỉ 7 cơ sở, tịch thu và tiêu hủy 99 tấn thực phẩm các loại.
Trong thời gian qua, việc quản lý nhà nước về ATTP tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn chồng chéo khi có 3 ngành (Y tế, Công Thương và Nông nghiệp) cùng tham gia quản lý thực phẩm từ khâu nuôi trồng cho đến bàn ăn. Dù vậy, khi có sự cố xảy ra thì không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm. Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố hiện vẫn chưa phát huy hiệu quả, chưa kịp thời giải quyết các vụ việc do thiếu đầu mối có đủ thẩm quyền quản lý.
Mới đây, trên cơ sở đề xuất của TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thí điểm thành lập BQL ATTP thành phố trong 3 năm, trên cơ sở tổ chức lại Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) và một số bộ phận thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Công Thương. Dự kiến ngay trong quý I-2017, BQL sẽ đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, trước khi BQL ATTP TP Hồ Chí Minh đi vào hoạt động, các sở, ngành của thành phố liên tiếp đưa vào hoạt động các mô hình quản lý ATTP. Cụ thể, Sở Công Thương và Sở NN&PTNT thành phố đã tổ chức thí điểm hai mô hình truy xuất nguồn gốc thịt lợn (Te-Food) và rau củ quả (FoodTrace) bằng tem điện tử. Nhưng đáng nói là các mô hình quản lý này hoàn toàn tách biệt với nhau và chưa có sự thống nhất thực hiện.
Ông Vũ Thế Thành, chuyên gia trong lĩnh vực ATTP nhận định, người dân bị “nhiễu loạn” trước thị trường thực phẩm vì không biết đâu là thực phẩm sạch. Hàng loạt các chứng nhận chất lượng, phương thức quản lý được các hội ngành, cơ quan chức năng lập ra theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không có một tiêu chuẩn chung, làm giảm lòng tin của người dân vào thực phẩm an toàn.
Đưa về một đầu mối?
Về việc đưa hai mô hình quản lý thực phẩm riêng biệt hiện nay của Sở Công Thương và Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh về một đầu mối, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết, các mô hình đều đang trong giai đoạn thí điểm nên chưa thể ngay lập tức về "chung một nhà". Trong quá trình thí điểm, giữa hai sở sẽ có những trao đổi, phối hợp nhằm mục tiêu duy nhất là cung cấp thực phẩm sạch cho người dân thành phố.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, ngoài truy xuất nguồn gốc thịt lợn, Te-Food của Sở Công Thương sẽ tiếp tục hướng đến các loại thực phẩm khác, trong đó có rau, củ, quả. Ông Hòa cho rằng, mô hình của Sở Công Thương và Sở NN&PTNT đều nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng do đó người dân có thể yên tâm khi sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, tất cả các mô hình quản lý ATTP hiện nay tuy do từng sở, ngành triển khai, nhưng các ngành có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đều hỗ trợ lẫn nhau, nhằm hoàn chỉnh chuỗi thực phẩm sạch cung ứng cho người dân. Bà Mai nhận định Khi BQL ATTP thành phố đi vào hoạt động, những mô hình quản lý thực phẩm hiện nay sẽ thuộc trách nhiệm quản lý của BQL.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.