Sau 45 phút khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất bằng máy bay ATR72, chúng tôi đã có mặt ở Côn Đảo. Khi ở Hà Nội vẫn còn đang đón những luồng gió lạnh cuối mùa và Sài Gòn nắng như đổ lửa thì Côn Đảo lại mát dịu nhẹ.
Dọc đường từ sân bay Cỏ Ống về thị trấn, nhà dân thưa thớt, chỉ có biển, vách đá hoang sơ, những loài cây xứ biển và một màu hoa anh đào khoe sắc… Côn Đảo không có nhiều hoa đào, hoa mai báo hiệu mùa xuân. Nhưng Côn Đảo có loài hoa anh đào đặc biệt gọi Tết về. Loài hoa như một món quà riêng mà thiên nhiên dành tặng Côn Đảo. Hoa dịu dàng nhưng cũng đầy kiên cường khi vươn mình giữa gió biển giập vùi. Tựa như người con gái Đất Đỏ, tuổi xanh nằm lại vào một ngày đất trời vào xuân…
Công nhân EVNSPC đang sửa chữa, bảo trì lưới điện ở Côn Đảo |
Linh thiêng
Người ta bảo ở Côn Đảo, người chết nhiều hơn người sống, bởi cư dân của đảo chỉ khoảng 7.000 người trong khi có hơn 2 vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã ngã xuống, "Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời/ Mỗi tảng đá là một trời đau khổ". Tôi vẫn còn nhớ, lần đầu ra Côn Đảo, tôi đã được anh xe ôm nhắc: Ở Côn Đảo đừng bước mạnh, để linh hồn của các anh yên nghỉ dưới lòng đất mẹ. Vậy nên nơi đây, bước chân ai cũng khẽ khàng. Có lẽ cũng vì vậy mà Côn Đảo được coi là bàn thờ thiêng của Tổ Quốc.
Bất cứ ai đến với Côn Đảo đều đến viếng mộ cô Sáu (tên gọi thân mật mà người dân Côn Đảo vẫn dành cho người nữ anh hùng Võ Thị Sáu) vào lúc 12 giờ đêm, giờ của đất trời, âm dương giao hòa. Viếng mộ thời khắc ấy cũng là thói quen của người dân Côn Đảo. Nghĩa trang Hàng Dương lúc 11 giờ đêm. Ánh đèn điện vàng sáng leo lắt khắp lối đi. Xen lẫn cột đèn là những máy phát nhạc, ngân nga giai điệu trầm hùng. Đêm, trời Côn Đảo quang lạ thường. Hương trầm tỏa ngát. Hàng chục người quây quần quanh mộ cô Sáu, dâng hương, hoa. Bên nấm mồ nghi ngút khói hương, không ai chen lấn ai, tất cả đều lặng lẽ, trật tự dâng lễ. Bỗng ai đó dùng điện thoại bật bài hát Mùa hoa Lê-ki-ma và không cần ai bắt nhịp, họ hòa giọng: "Mùa hoa lê-ki-ma nở, ở quê ta miền Đất Đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng, đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở, đời sau vẫn còn nhắc nhở… Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng trọn cuộc đời, để chiến đấu với bao niềm tin, dù chết vẫn không lùi bước…".
Tri ân
Hiện nguồn điện cung cấp cho trung tâm thị trấn Côn Đảo là trạm diesel có hai nhà máy; trong đó, Nhà máy điện trung tâm (công suất khả dụng 860 kW) và Nhà máy điện An Hội (tổng công suất 3.680kW). Ngoài ra còn có trạm pin Mặt Trời, thuộc cụm nhà máy An Hội, công suất lắp đặt 36kW, vốn của Tây Ban Nha tài trợ, khánh thành từ 31-1-2015. Với nguồn vốn từ Tổng công ty Điện lực miền Nam, Điện lực Côn Đảo đang lắp thêm các tổ máy theo phân kỳ đầu tư ở Nhà máy An Hội; trong đó, tháng 5/2015 sẽ bổ sung tổ máy 1.500 kW và đến năm 2016 sẽ thêm một tổ công suất 1.500 kW.
Ông Đoàn Văn Tranh, Giám đốc Điện lực Côn Đảo (Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, trước đây Điện lực Côn Đảo là Trạm cung cấp điện nước, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện. Đến ngày 1-1-2014, tách phần điện trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam với 49 người trong tổng số 54 CBCNV được hưởng nguyên chế độ của CBCNV ngành điện, còn phần nước vẫn trực thuộc huyện. Qua hơn một năm trực thuộc Tổng công ty, đến hết tháng 2-2015 Điện lực Côn Đảo có 1.890 khách hàng sử dụng điện, 100% các hộ gia đình đều có điện; trong đó 48% là khách hàng sinh hoạt, 31% là kinh doanh dịch vụ, du lịch, còn lại là các ngành nghề khác. Tuy nhiên, về tương lai, Côn Đảo sẽ phát triển, bởi, quá khứ đã khép lại, cánh cửa nhà tù cũng khép lại và trở thành một trong những di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ). Điện sẽ là một trong những quan tâm hàng đầu để Côn Đảo trở thành là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia được nhiều du khách đánh giá là thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên với các chương trình du lịch sinh thái phong phú, đa dạng như quy hoạch.
Tổng Công ty Điện lực Miền Nam cho biết, giá nhiên liệu (dầu DO) chiếm 85% giá thành sản xuất điện tại Côn Đảo. Một lít dầu diesel hiện giá là 15.183 đồng thì sản xuất được 3 kW điện, nên càng chạy nhiều càng lỗ. Riêng năm 2014, bình quân lỗ 46 tỷ đồng, so với trước đây bình quân lỗ 33 tỷ đồng/năm. Nhưng bù lại, người dân trên đảo lại được hưởng giá điện như ở đất liền.
Ngày 10-2-2015, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định 314/QĐ - UBND phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển nguồn năng lượng trên địa bàn huyện Côn Đảo đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Theo Quyết định này, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm giai đoạn 2015 - 2020 là 23,4%. Diesel vẫn là nguồn điện chủ lực cung cấp cho huyện Côn Đảo trong thời gian tới, kết hợp nguồn nhiệt điện khí (LNG) và các nguồn năng lượng tái tạo như gió, Mặt Trời, đảm bảo mỹ quan đô thị và môi trường trong sạch phát triển du lịch. Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện của huyện Côn Đảo theo Quy hoạch khoảng 2.601 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 2 dự án nguồn điện với tổng vốn đầu tư 645 tỷ đồng đã có giấy chứng nhận đầu tư là Nhà máy điện gió Côn Đảo (công suất 4MW) và Nhà máy điện Mặt Trời kết hợp khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Côn Đảo (5MW).
Sau 40 năm giải phóng Miền Nam- thống nhất đất nước, Côn Đảo vẫn là nơi thử thách lòng kiên trì, sự quyết tâm, ý chí bền gan,…của những Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sống nơi đây- họ là những người giữ gìn “vùng đất thiêng”, “bàn thờ thiêng” của Tổ quốc như là một sự tri ân đối với những chiến sĩ yêu nước, chiến sĩ cách mạng. Và những gì mà ngành điện đang làm ở Côn Đảo cũng là tri ân./
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.