(HNM) - Trạng thái xuất siêu hiếm hoi trong tháng trước ở mức 172 triệu USD đã không thể kéo sang tháng này. Tổng cục Thống kê cho biết, chênh lệch xuất, nhập khẩu (XNK) tháng 2-2012 ở mức khoảng 800 triệu USD, mức cao nhất kể từ quý IV năm ngoái.
Trong đó kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tháng 2 đạt 8,2 tỷ USD, tăng khoảng 15,6% so với tháng 1; nhập khẩu tương ứng đạt 9 tỷ USD và tăng khoảng 30%. Trong đó thị trường Châu Âu đang được các doanh nghiệp chú ý.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Thủy sản An Giang. Ảnh: Mai Vy
Tổng KNXK 2 tháng đầu năm nay đạt xấp xỉ 15,3 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu khoảng 15,9 tỷ USD và tăng 11,8%. Như vậy, chênh lệch XNK cho đến thời điểm này vào khoảng 628 triệu USD (cùng kỳ năm ngoái là gần 2 tỷ USD). KNXK thủy sản tăng tới 15,6% so với cùng kỳ; rau quả, hạt điều tăng hơn 10%; chè tăng gần 20%. Nhưng ngược lại XK cà phê giảm mạnh cả về lượng và giá, ở mức 20% so với năm ngoái. Với mặt hàng cao su, sản lượng xuất tăng tới gần 50% nhưng KNXK lại hụt đi hơn 6% so với năm 2011. Tương tự, mặt hàng than đá đạt sản lượng XK tăng gần 90% so với cùng kỳ, tuy nhiên thu về kim ngạch chỉ tăng khoảng 30%. Ở các nhóm hàng gia công, KNXK dệt may, giày dép đạt tốc độ tăng trưởng lần lượt là 25,4% và 21% so với cùng kỳ, bất chấp các quan ngại gần đây rằng thị trường Châu Âu khó khăn sẽ tác động mạnh đến các sản phẩm này. Tổng cục Thống kê cho biết, ở giai đoạn trước khi chuyển mùa, các mặt hàng thời trang thường duy trì được hoạt động sản xuất và XK, dẫn tới mức tăng trưởng vừa qua. Như vậy cũng có nghĩa, xu hướng tăng trưởng KNXK với hai nhóm mặt hàng này chưa thể chắc chắn tính bền vững, có thể sẽ khó tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong giai đoạn sắp tới.
Bộ Công thương nhận định, trong khi nhiều mặt hàng nhập khẩu vào thị trường Châu Âu như xe hơi, vật liệu xây dựng, đồ điện và điện tử, đồ gia dụng... giảm mạnh thì các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm, quần áo, giày dép, cà phê, thủy sản... lại duy trì ở mức cao, thậm chí tăng về lượng. Năm 2011, KNXK các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang Châu Âu, như điện thoại, dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản, hạt tiêu, điều, đồ gỗ... tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, khoảng hơn 25% so với năm 2010. Một trong những lý do khiến hàng hóa Việt Nam có thể tăng thị phần tại EU trong điều kiện khủng hoảng tài chính là người tiêu dùng các nước có xu hướng quay lại dùng các sản phẩm hàng hóa có giá hợp lý. Nếu tiếp tục duy trì lợi thế này, DN Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội XK trong năm 2012. Chẳng hạn, nhu cầu nhập khẩu hoa quả của Châu Âu đang gia tăng tới 50% và đa số nhập khẩu trái cây nhiệt đới. Nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng được người tiêu dùng Châu Âu tiếp tục nhập về phục vụ cho cuộc sống. Chẳng hạn, Pháp là nước có lượng tiêu dùng khá mạnh trong 27 nước EU, trong năm 2012 có nhu cầu nhập khẩu 100 triệu USD thủy sản, 310 triệu USD dệt may, 480 triệu USD giày dép, 115 triệu USD đồ gia dụng...
Năm 2012, EU sẽ thay đổi một số chính sách liên quan đến vấn đề ưu đãi cho các nước đang phát triển, thay vì họ quy định cho những nhóm hàng thì nay họ có thể quy định thị phần hoặc chia nhỏ số lượng hàng XK của từng quốc gia vào EU. Với cách làm này, nhiều khả năng một số mặt hàng của Việt Nam sẽ bị đẩy ra khỏi danh sách được hưởng quy chế ưu đãi như trước đây. Theo đó, quy định kiểm tra về động, thực vật sẽ gay gắt hơn. Mặt khác, EU cũng đang dự thảo về quy định dán nhãn mác vào sản phẩm nên các DN cần nghiên cứu kỹ hơn luật lệ của họ thì mới có thể tăng lượng hàng xuất khẩu vào EU.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.